Ban hành Nghị định về thi hành Luật Đất đai

Có thể nói, chưa có Nghị định nào được tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, với nhiều đối tượng như Nghị định này. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực trong buổi họp báo chiều nay (1/11/2004) giới thiệu về Nghị định về thi hành Luật Đất đai (181/2004/NĐ-CP ký ngày 29/10/2004).

Theo Bộ trưởng Trực, đây là Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai đầu tiên được ban hành kể từ sau khi Luật này có hiệu lực.  

Với 14 chương, 186 điều và 145 trang giấy khổ A4, Nghị định về thi hành Luật đất đai là nghị định có dung lượng lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc cụ thể hoá gần 40 nội dung mà Luật đất đai đã giao Chính phủ quy định, Nghị định còn quy định chi tiết nhiều điều khoản nhằm tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thi hành Luật.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, kể từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự thảo cho đến khi ban hành Nghị định phải mất 5 tháng rưỡi vì đất đai là vấn đề thiết thân của mọi người, lại rất phức tạp và nhạy cảm nên Chính phủ rất cẩn trọng khi ban hành.

Cũng trong buổi họp báo, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định này, Bộ đã ban hành hai quyết định và ba thông tư về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về Kế hoạch triển khai thi hành Luật đất đai, về hồ sơ địa chính, về thống kê, kiểm kê đất đai và về lập, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho đăng gấp trên Công báo của Chính phủ Nghị định về thi hành Luật đất đai và các quyết định, thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

10 nội dung đáng lưu ý:

Quy định về những trường hợp Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

Quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với quy hoạch sử dụng đất chi tiết cũng như việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; đặc biệt là những trường hợp thu hồi đất cho phát triển kinh tế;

Các quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao; các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở thuộc sở hữu chung; đất sử dụng cho kinh tế trang trại, đất hợp tác xã đang sử dụng.

Quy định về các trường hợp đất và tài sản gắn liền với đất được tham gia thị trường bất động sản, về nội dung hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản, về các trường hợp được đấu giá quyền sử dụng đất, về xử lý quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá và đăng ký giao dịch bảo đảm về quyề sử dụng đất;

Quy định về việc giải quyết các trường hợp phát sinh quan hệ sử dụng đất giữa tổ chức với cá nhân, giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau như trường hợp các cơ quan nhà nước đã mượn đất của hộ gia đình, cá nhân; hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác; tổ chức mượn đất, thuê đất hoặc cho mượn đất, thuê đất;

Quy định về trình tự thủ tục hành chính trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất và một số quy định khác về quản lý đất đai và trình tự, thủ tục hành chính trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất các quy định về thủ tục hành chính;

Quy định các căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và về các loại quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khiếu nại;

Quy định về các hình thức kỷ luật trong trường hợp chưa tới mức xử lý về hình sự khi người đứng đầu tổ chức, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai, cán bộ, công chức cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính cấp xã có các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai;

Quy định về việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có quy định cụ thể các hình thức tổ chức thuận lợi để tiếp nhận phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân cũng như trách nhiệm, thời hạn giải quyết các phát hiện, kiến nghị đó.

  •  Kiều Minh (VietNamNet)
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Tạo điều kiện cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đô thị lớn

Tạo điều kiện cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đô thị lớn

Tạo điều kiện cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đô thị lớn

UBTVQH vừa gửi Công văn đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo rà soát lại Nghị định số 51/CP ngày 10/5/1997 về đăng ký và quản lý hộ khẩu. Theo đó, hướng sửa đổi là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhất là các đô thị lớn.