Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn (sau đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn), bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh; các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.
Theo đó, các hoạt động ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
Các chính sách khuyến khích bao gồm: Chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề; về mặt bằng sản xuất; về đầu tư, tín dụng; xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ; đào tạo nhân lực.
(Theo TTXVN)