Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ về hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ giám định công nghệ và các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Theo đó, trường hợp sử dụng vốn nhà nước để nhận chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, bên nhận công nghệ phải lập phương án nhận chuyển giao công nghệ, trong đó nêu rõ nội dung chuyển giao công nghệ và giá ước tính của công nghệ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư (kể cả trường hợp sử dụng nhiều nguồn vốn để nhận chuyển giao công nghệ, trong đó nguồn vốn nhà nước chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên).

Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền đăng ký nếu có nhu cầu. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ là cơ sở để được hưởng các ưu đãi theo quy định.

Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp đối với công nghệ thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư và các trường hợp còn lại do Sở Khoa học và Công nghệ cấp.
 
Đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì việc đăng ký được thực hiện thành 2 bước: chấp thuận chuyển giao công nghệ và cấp phép chuyển giao công nghệ (do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp).

 
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ. Theo đó, khi lập dự án hoặc hợp đồng phải tách nội dung và chi phí chuyển giao công nghệ thành một phần riêng trong dự án, hợp đồng.

 
Để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, Nghị định quy định các trường hợp miễn, giảm thuế liên quan đến hoạt động này. Theo đó, tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập được tạo ra từ công nghệ; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ... Ngoài ra, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm, được giảm 50% thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế sử dụng đất...

 
Nghị định cũng quy định cụ thể về Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao gồm 50 loại như công nghệ nano; chế tạo robot; sản xuất nguyên liệu mới; công nghệ nhân, tạo giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; công nghệ tự động hóa quá trình chăn nuôi, trồng trọt và thu hoạch các loại rau, hoa, quả; công nghệ phát hiện, thu gom, giám sát và xử lý các loại chất thải nguy hại...

Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao bao gồm công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam (11 loại như: công nghệ in tiền và các loại giấy có mệnh giá; công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gien trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...) và công nghệ hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài (2 loại).

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao cũng gồm công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam (16 loại) và công nghệ cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài.

 
Nghị định này thay thế Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 2/2/2005 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

. Theo Website Chính phủ

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục