Ngày 05/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng.
Theo đó, nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) được tham gia đấu thầu lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghiệp cho đến trước ngày 1/4/2009. Trong trường hợp này, bên mời thầu phải cung cấp hồ sơ mời thầu với đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan gồm cả báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) và phải bảo đảm đủ thời gian để các nhà thầu có điều kiện như nhau trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Nhà thầu đã lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ cho gói thầu không được tham gia đấu thầu xây lắp, cung cấp hàng hóa cho gói thầu đó kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đối với gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp).
Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Nghị định nêu rõ các điều kiện về tính độc lập giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư và nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc cùng một dự án được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính khi đáp ứng điều kiện: Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau.
Chủ đầu tư và nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc cùng một dự án được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính khi đáp ứng điều kiện: Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau; Hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đối với nhà thầu là tổ chức. Quy định này được thực hiện từ ngày 1/4/2009.
Các nhà thầu được coi là độc lập với nhau nếu đáp ứng 2 điều kiện: không cùng thuộc một cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ra quyết định thành lập, trừ các nhà thầu là doanh nghiệp đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005; Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau. Quy định này cũng được thực hiện từ ngày 1/4/2009.
Việc xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu cũng được quy định chi tiết, theo đó, mức phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng. Hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không căn cứ vào các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; các hành vi vi phạm dẫn đến phải tổ chức đấu thầu lại… có mức phạt tiền từ 5 đến 30 triệu đồng.
Mức phạt từ 20 đến 50 triệu đồng nếu thực hiện các hành vi sau: dàn xếp, thông đồng giữa tất cả nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư…; người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu dẫn đến phải huỷ đấu thầu hoặc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực…; Nhà thầu thực hiện hợp đồng xây lắp, cung cấp hàng hoá thông đồng với nhà thầu tư vấn giám sát, cơ quan, tổ chứ nghiệm thu để xác nhận sai về chất lượng, khối lượng của công trình, hàng hoá…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.