Thông tư quy định 03 nội dung bồi dưỡng kiến thức thuộc 02 phần là: Khối kiến thức bắt buộc gồm nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học cấp tiểu học áp dụng trong cả nước và theo từng thời kỳ của mỗi địa phương; khối kiến thức tự chọn bao gồm các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên.
Trong khối kiến thức tự chọn có 13 yêu cầu chuẩn nghề nghiệp cần bồi dưỡng như: Nâng cao năng lực hiểu biết về đối tượng giáo dục; nâng cao năng lực hiểu biết về môi trường giáo dục và xây dựng môi trường học tập; nâng cao năng lực hướng dẫn, tư vấn của giáo viên; nâng cao năng lực chăm sóc/hỗ trợ tâm lí cho giáo viên trong quá trình giáo dục; nâng cao năng lực lập kế hoạch dạy học; tăng cường năng lực triển khai dạy học…
Về thời lượng thực hiện từng nội dung bôi dưỡng kiến thức, Thông tư quy định: Mỗi giáo viên thực hiện chương trình bồi dưỡng 120 tiết/năm học; Trong đó, thời lượng dành cho nội dung bồi dưỡng 1 khoảng 30 tiết/năm học; nội dung bồi dưỡng 2 khoảng 30 tiết/năm học và nội dung bồi dưỡng 3 khoảng 60 tiết/năm học.
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học được thực hiện trong năm học và thời gian bồi dưỡng hè hằng năm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và của cá nhân giáo viên. Trường tiểu học là đơn vị nòng cốt trong việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hình thức tự học cá nhân, học tập theo tổ chuyên môn, học tập theo nhóm giáo viên của từng trường hoặc cụm trường tiểu học. Các lớp bồi dưỡng tập trung (nếu có) chủ yếu để báo cáo viên giải đáp thắc mắc, hướng dẫn tự học, luyện tập kỹ năng cho giáo viên…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/09/2011; những quy định trái với Thông tư này bị bãi bỏ.
Trong cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các Thông tư số 30/2011/TT-BGDĐT; số 31/2011/TT-BGDĐT và số 33/2011/TT-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên.
- LuậtViệtnam