Theo đó, tại Chỉ thị 43/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhiệm vụ với từng Bộ, ngành cụ thể.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Khẩn trương xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn (hoàn thành trong Quý I/2025).
- Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với người học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trong và ngoài nước (hoàn thành trong Quý IV/2025).
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyển phê duyệt các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.
Song song đó, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cốt lõi ở các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Nghiên cứu, tổng hợp thông tin nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài) trong ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ số cốt lõi làm cơ sở cho việc đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
- Khẩn trương thực hiện lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ đào tạo, nghiên cứu theo giai đoạn phù hợp với nhu cầu của thị trường theo quy định của pháp luật.
- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư, huy động nguồn lực, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, cơ chế dùng chung phòng thí nghiệm, thu hút nhân tài, chuyên gia, giảng viên để phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi...
Chỉ thị 43/CT-TTg được ban hành ngày 04/12/2024.