Ban hành 6 Nghị định về chế độ tiền lương

Ban hành 6 Nghị định về chế độ tiền lươngNgày 14/12, Chính phủ đã ban hành cùng lúc 6 Nghị định về chế độ tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là những quy định đồng bộ nhằm cải cách một bước chế độ tiền công, tiền lương trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang và người hưởng chế độ BHXH. Sau khi các Nghị định này được ban hành, các Bộ, ngành chức năng sẽ căn cứ vào đó, đưa ra một số hướng dẫn cụ thể hơn để thực hiện việc tính toán, chi trả tiền lương theo quy định, tính từ 1/10/2004.

6 Nghị định mới về lương và bảo hiểm xã hội gồm:

- NĐ số 203/2004/NĐ-CP về mức lương tối thiểu.

- NĐ số 204/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

- NĐ số 205/2004/NĐ-CP về hệ thống thang, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước (CTNN).

- NĐ 206/2004/NĐ-CP về việc quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các CTNN.
- NĐ số 207/2004/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc CTNN.

- NĐ số 208/2004/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Quy định mới về mức lương tối thiểu chung

Theo NĐ số 203/NĐ-CP, mức lương tối thiểu chung (MLTTC) 290.000 đồng/tháng được coi là "MLTTC cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường" và mức lương này sẽ còn được điều chỉnh tùy theo mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động trong từng thời kỳ. Mức lương 290.000 đồng được coi là căn cứ tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp trong khu vực Nhà nước, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động đối với các doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương...

MLTTC không chỉ được áp dụng cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã... mà còn áp dụng để tính trợ cấp thôi việc cho số năm làm việc từ năm 2004 trở đi đối với lao động dôi dư, người thôi việc do tinh giản biên chế theo một số quy định hiện hành.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ công bố MLTTC cho từng thời kỳ, hệ số điều chỉnh tăng thêm so với MLTTC được áp dụng cho các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước; Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với MLTTC áp dụng cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội để trình Chính phủ thông qua.

Cán bộ, công chức, viên chức: Lương bao nhiêu, tùy theo công việc

Theo NĐ số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và lực lượng vũ trang thì việc trả lương, nâng lương... sẽ phải linh hoạt hơn trước đây rất nhiều. Nguyên tắc trả lương theo điều 3 của NĐ này đã quy định việc trả lương phải "gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC và nguồn trả lương".

Cụ thể, CBCCVC và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi thay đổi công việc thì được chuyển xếp lại lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) cho phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp thôi chức danh lãnh đạo (trừ việc bị kỷ luật) để làm công việc khác mà có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu mức lương hoặc chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng và sau đó sẽ được xếp lại theo mức của công việc mới. Còn theo yêu cầu nhiệm vụ, CBCCVC... đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn thì được giữ mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ.

Các đối tượng chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và CTNN vào làm việc trong cơ quan nhà nước thì được chuyển, xếp lại ngạch, bậc lương và hưởng phụ cấp chức vụ theo công việc mới đảm nhiệm...

Nghị định này cũng quy định 7 bảng lương: bảng lương cho chuyên gia cao cấp; bảng lương chuyên môn-nghiệp vụ với từng loại đối tượng; bảng lương cho cán bộ chuyên trách cấp phường, thị trấn; cho lực lượng vũ trang... Nghị định đưa ra nhiều quy định mới về chế độ phụ cấp lương. Ví dụ, về phụ cấp cho người kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo thì mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Người kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo chỉ được hưởng một mức phụ cấp.

Một điểm đáng chú ý khác là phụ cấp đặc biệt áp dụng cho các đối tượng làm ở đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện khó khăn thì có mức phụ cấp: 30%, 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng với hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang. CBCCVC đến làm ở vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế, đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn được hưởng mức phụ cấp thu hút theo 4 mức: 20%, 30%, 50% hoặc 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

NĐ này cũng quy định cụ thể các mức phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thâm niên nghề, ưu đãi theo nghề... Đặc biệt, nghị định trên quy định việc nâng bậc lương thường xuyên cũng phải thực hiện trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của CBCCVC và thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc chức danh. CBCCVC "lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh" thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng.

Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương mới theo nghị định này được quy định lấy từ khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; từ việc sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của đơn vị sự nghiệp có thu (riêng ngành y tế được sử dụng tối thiểu 35%); từ việc sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ cho các cơ quan hành chính có thu. Ngân sách địa phương sử dụng 50% số tăng thu giữa dự toán kế hoạch so với dự toán năm trước liền kề do Thủ tướng giao và 50% số tăng thu giữa thực hiện so với dự toán năm kế hoạch do Thủ tướng giao để thực hiện tăng lương. Ngân sách trung ương chỉ bổ sung kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương mới trong trường hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện các điều trên nhưng còn thiếu

Lương, thưởng, phụ cấp tại công ty nhà nước (CTNN)

NĐ số 205/2004/NĐ-CP quy định về hệ thống thang, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các CTNN (áp dụng cho các CTNN và các công ty hạch toán độc lập của tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập) cũng quy định cụ thể về các thang, bảng lương cho công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh...

Phụ cấp khu vực áp dụng đối với người của CTNN làm ở vùng xa xôi, hẻo lánh, khí hậu xấu có 7 mức: từ 0,1 đến 0,7 và 1,0 so với MLTTC; phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức từ 0,1 đến 0,4 so với MLTTC; phụ cấp lưu động gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với MLTTC áp dụng với người làm nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Còn tại NĐ 206/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương và thu nhập tại CTNN, Chính phủ quy định CTNN được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương thì "không được vượt quá 2 lần so với MLTTC". Khi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm, CTNN phải đảm bảo đã nộp ngân sách đầy đủ, mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề.

NĐ số 207/NĐ-CP về chế độ lương, thưởng, trách nhiệm với thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc CTNN quy định rõ việc tiền lương, phụ cấp cho các đối tượng trên được tính căn cứ vào việc thực hiện lợi nhuận và năng suất lao động của công ty. Quỹ tiền lương dành cho các đối tượng này được xác định theo năm, tháng và được tạm ứng tối đa bằng 80% quỹ tiền lương kế hoạch.

Ai được tăng lương hưu?

NĐ đáng chú ý cuối cùng là NĐ 208/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Theo đó, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được điều chỉnh cho các đối tượng: CBCCVC, lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng; CCVC và người lao động hưởng lương hưu hằng tháng nhưng vừa có thời gian hưởng tiền lương theo thang, bảng lương Nhà nước quy định vừa không theo thang, bảng lương này; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; một số đối tượng công nhân, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Các đối tượng trên đã hưởng lương hưu trước ngày 1/10/2004 sẽ được tăng thêm mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng 10%. Thời gian được tăng là từ 1/10/2004 đến ngày 30/9/2005. Với người nghỉ hưu từ ngày 1/10/2004 đến ngày 30/9/2005 thì lương hưu của người nghỉ hưu được điều chỉnh một lần khi nghỉ hưu với mức tăng tương ứng với thời điểm nghỉ hưu. Ví dụ như: nghỉ hưu vào tháng 11/2004 thì mức điều chỉnh tăng là 9,5%; nghỉ hưu vào tháng 12/2004 thì mức điều chỉnh tăng là 9%...

Tất cả các NĐ trên đều có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

 

(Theo Thanh Niên)

 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Chính phủ ban hành.

Phạt từ 45 - 70 triệu đồng nếu xuất nhập khẩu ngoại tệ, vàng không có giấy phép

Phạt từ 45 - 70 triệu đồng nếu xuất nhập khẩu ngoại tệ, vàng không có giấy phép

Phạt từ 45 - 70 triệu đồng nếu xuất nhập khẩu ngoại tệ, vàng không có giấy phép

Ngày 10/12/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu ngoại tệ, vàng không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị phạt từ 45 triệu đến 70 triệu đồng.

Đơn vị sự nghiệp có thu: khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân

Đơn vị sự nghiệp có thu: khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân

Đơn vị sự nghiệp có thu: khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 4087 TCT/TNCN hướng dẫn thêm về cách thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, bao gồm các đơn vị chi trả thu nhập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ - môi trường, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, sự nghiệp kinh tế, dịch vụ việc làm...