Ban hành 3 Nghị định mới về mức lương tối thiểu

Ngày 16/11, Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động và mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.

 

Mức lương tối thiểu tăng, ứng với từng vùng và từng loại hình cơ quan, doanh nghiệp

 

Cụ thể, từ 1/1/2008, mức lương tối thiểu chung để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường là 540.000 đồng/tháng. Mức lương này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ áp dụng đối với: Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; công ty được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước...

 

Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động được chia thành các vùng như sau:

 

Mức 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Mức 580.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Mức 540.000 đồng/tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.

 

Chính phủ cũng quy định mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện từ ngày 1/1/2008 với các mức tương ứng với vùng như sau:

 

Mức 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Mức 900.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Mức 800.000 đồng/tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.

 

Cách tính lương hợp lý, khuyến khích người tài, bảo đảm cuộc sống cho người lao động

 

Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã được quy định như trên (quy định này được áp dụng cho cả cách tính lương đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam).

 

Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu được quy định. Chính điều này giúp các doanh nghiệp có thể hợp pháp tăng lương cho những cán bộ chủ chốt, có tài nhằm xứng đáng với công sức lao động của họ bỏ ra. Tránh được tình trạng chảy máu chất xám từ doanh nghiệp nhà nước sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Như vậy, so với mức lương cũ thì khi áp dụng quy định mới này mức lương của người có thu nhập trung bình tăng 31,5% và mức lương người có thu nhập thấp tăng 50%. Đây là tín hiệu đáng mừng để khuyến khích và đảm bảo cuộc sống người cho lao động. 

 

 

. (Luật Việt Nam)

 

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.