Chế độ phụ cấp, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Thông tư 01/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám, phó giám đốc, kế toán trưởng và công nhân, viên chức, nhân viên trong các công ty nhà nước nêu rõ: khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới không kết hợp nâng ngạch viên chức, không kết hợp nâng bậc lương, không xếp lương vào hạng cao hơn hạng của công ty.
Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải theo công việc hiện được giao, theo chức vụ đang đảm nhận theo ngạch bậc lương ứng của thang, bảng lương mới. Đối với những chức danh có số bậc lương cũ ít hơn lương mới thì chuyển sang bậc lương mới. Trường hợp đang xếp bậc lương cuối cùng từ 3 năm trở lên thì công ty xem xét chuyển vào bậc mới cao hơn liên kề.
Đối với viên chức, nhân viên thừa hành đang xếp theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ thì được chuyển xếp theo lương mới. Viên chức có trình độ cao đẳng được tuyển dụng mới vào làm công việc ngạch cán sự, kỹ thuật viên hoặc xếp bậc 1 của ngạch này thì chuyển vào bậc 2 của ngạch cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ mới.
Đối với nghiên cứu viên, nhân viên y tế, giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp của công ty (viện nghiên cứu, bệnh viện, trường GD-ĐT được thành lập và hoạt động theo quy định của Bộ KHCN, Bộ Y tế, Bộ GDĐT và Bộ LĐ-TB-XH) đang xếp theo bảng lương khoa học-kỹ thuật, y tế, giáo dục thì chuyển xếp lương sang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Cách tính lương hưu và trợ cấp BHXH Việc điều chỉnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (không bao gồm trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp tuất hàng tháng) trước 1/1/2004 theo thông tư 11/2005/BLĐTBXH được tính bằng mức hưởng tháng 9/2004 x hệ số 1,10.
Ngoài ra, người nghỉ hưu từ 1/10/2004 đến 30/9/2005 (theo Nghị quyết số 35 ngày 17/5/1993 của Ủy ban Thường vụ QH, Quyết định số 69-QĐ/TW ngày 17/5/1993 của Ban Bí thư TƯ) thì căn cứ vào mức đóng BHXH trong 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính: Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu = (tổng số tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH theo hệ số lương cũ và hệ số lương mới trong 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu/60 tháng).
Đối với người nghỉ hưu từ 1/10/2004 đến 30/9/2005, lương hưu của người nghỉ hưu được điều chỉnh một lần trước khi nghỉ hưu được tính bằng: Mức lương hưu chưa được điều chỉnh + (mức lương hưu chưa được điều chỉnh x Mức điều chỉnh lương hưu ứng với tháng nghỉ hưu)...
Thông tư 11 cũng quy định cụ thể mức điều chỉnh đối với những trường hợp khác như người tự đóng tiếp BHXH, người thuộc diễn bảo lưu thời gian đóng BHXH sau đó đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc hưởng trợ cấp BHXH một lần...
Lương, thưởng của tổng giám đốc, giám đốc dựa trên lợi nhuận Đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc DNNN, chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm được quy định rõ trong Thông tư 08/2005/TT-BLĐTBXH. Tiền lương và phụ cấp đối với các đối tượng này căn cứ trên nguyên tắc lợi nhuận và năng suất lao động tăng thì lương tăng và ngược lại.
Quỹ tiền lương, phụ cấp trách nhiệm dành cho các đối tượng này xác định theo năm. Hàng tháng sẽ tạm ứng, tối đa bằng 80% quỹ lương kế hoạch. Thông tư quy định rõ cách tính lương đối với các DN có lợi nhuận và năng suất lao động bằng hoặc cao hơn kế hoạch; có lợi nhuận nhưng năng suất lao động thấp hơn kế hoạch; lợi nhuận thấp hơn kế hoạch, năng suất lao động bình quân bằng hoặc cao hơn kế hoạch; làm ăn thua lỗ.
Đối với DNNN làm ăn thua lỗ, nếu chi vượt quỹ lương thực hiện được hưởng thì dứt khoát phải hoàn trả phần chi vượt lương ngay trong năm đó. Về tiền thưởng cho thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc, nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch thì cứ giảm 1% tổng lợi nhuận so với kế hoạch thì phải trừ 0,5% quỹ tiền thưởng của cả nhiệm kỳ.
Thông tư 08/2005/TT-BLĐTBXH cũng cụ thể hóa chế độ trách nhiệm của các đối tượng lãnh đạo DN khi để ra sai phạm nhưng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng nằm trong số 11 thông tư được ban hành ngày 5/1.
Thông tư 06/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động trong các DNNN nêu rõ: các sản phẩm dịch vụ đều phải có định mức lao động. Khi thay đổi kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh thì phải điều chỉnh đỉnh mức này. Định mức lao động tổng hợp khi xây dựng phải xác định cả độ phức tạp và cấp bậc công việc bình quân.
(L.Hà - VietNamNet)