(LuatVietnam) Ngày 15/6/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 5 Thông tư từ số 19 đến 23/2009/TT-BLĐTBXH quy định chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề đối với 5 nhóm nghề: sản xuất và chế biến; máy tính và công nghệ thông tin; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghệ kỹ thuật; sức khỏe và dịch vụ xã hội. Các Thông tư này quy định chương trình khung trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề để áp dụng đối với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp công lập và tư thục có đăng ký hoạt động dạy nghề các nghề được quy định tại các Thông tư này; không bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.
Chương trình khung quy định tại 5 Thông tư nói trên được áp dụng đối với các nghề: công nghệ dệt; chế biến dầu thực vật; chế biến thực phẩm; sản xuất rượu bia; chế biến và bảo quản thủy sản; thiết kế trang web; thiết kế đồ họa; vẽ và thiết kế trên máy vi tính; nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn và nước lợ; chăn nuôi gia súc, gia cầm; bảo vệ thực vật; lâm sinh; kỹ thuật sản xuất dược; sản xuất dụng cụ chỉnh hình; chăm sóc dịch vụ gia đình; vận hành nhà máy thủy điện; luyện thép; xây dựng và bảo dưỡng công trình giao thông đường sắt; xây dựng cầu đường bộ; sửa chữa thiết bị chế biến dầu khí; thí nghiệm các sản phẩm hóa dầu; kiểm nghiệm chất lượng lương thực, thực phẩm…
Căn cứ quy định tại các Thông tư này, hiệu trưởng các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp chuyên nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề cho các nghề nói trên tổ chức xây dựng, thẩm định, duyệt chương trình dạy nghề của trường.
5 Thông tư này đều có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
- LuậtViệtnam