Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng hôm 14/6 đã ký QĐ 528 về việc phê duyệt danh sách các công ty cổ phần hóa (CPH) thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các Trung tâm giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Đồng thời, 165 công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối cũng phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để các nhà đầu tư lựa chọn nhằm tăng thu hút vốn. Tổng vốn điều lệ của 165 công ty lên tới gần 4.828 tỷ đồng, trong đó, tổng vốn nhà nước là 3.672 tỷ đồng.
Trong số 75 DNNN thực hiện bán đấu giá qua Trung tâm giao dịch chứng khoán, có 9 DN độc lập thuộc các Bộ, ngành; 44 DN thuộc các Tổng công ty nhà nước; 22 DN do địa phương quản lý. Điểm nổi bật là có rất nhiều DN lớn, đang kinh doanh hiệu quả trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, bưu chính viễn thông, điện lực cũng thuộc diện bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán, như Công ty Thông tin di động (Mobifone); Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí; Công ty Giấy Bãi Bằng. Cùng trong danh sách đó có nhiều công ty khác cũng sẽ tham gia bán đấu giá là: Công ty Sông Đà 9, Công ty Dịch vụ Cụm cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty Khoan dầu khí, Xi măng Hà Tiên 2, Xi măng Bỉm Sơn...
Trong số các công ty phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam hiện là DN có tổng số vốn điều lệ cao nhất với 1.500 tỷ đồng (nhà nước nắm 60% cổ phần); Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An có tổng vốn điều lệ lớn thứ hai với 189,8 tỷ đồng, tiếp đến là các Công ty cổ phần Gas Petrolimex và Công ty cổ phần Hóa dầu cùng có vốn 150 tỷ đồng, Công ty Nhựa Bình Minh 107 tỷ, Công ty Pin Ắc quy miền Nam trên 102 tỷ đồng...
Những DN còn lại phần lớn có số vốn từ 10 đến 30 tỷ đồng. Trong số này, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông có 3 DN bán cổ phần trên thị trường chứng khoán; Tổng Công ty Hoá chất 12 DN; Tổng Công ty Dệt may Việt Nam và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam có 8 DN; Tổng Công ty Sông Đà có 7 DN.
Cũng theo QĐ trên, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty nhà nước thống nhất tổ chức triển khai việc bán bớt cổ phần của Nhà nước tại DN, bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các Trung tâm giao dịch chứng khoán. Đồng thời, mức ưu đãi thuế đối với các DN đăng ký giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội tương đương mức ưu đãi đối với các DN niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM.
(Theo VietNamNet)