Theo thông báo số 243 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, việc tiêu huỷ gia cầm nhiễm bệnh và trong vùng dịch vừa qua gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đó là biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng con người và vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Do có những biện pháp mạnh, công tác phòng chống dịch đã có kết quả rõ rệt: số xã có dịch đã giảm từ trên 200 xã xuống còn 13 xã. Hơn 40 ngày qua không phát hiện thêm trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) ở người.
Theo Phó thủ tướng, dịch cúm gia cầm tuy đã được khống chế ở nhiều nơi, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nguy cơ bùng phát và lây nhiễm sang người. Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện ngừng ấp nở và phát triển nuôi mới đàn thủy cầm, chim cút. Gia cầm đưa vào giết mổ tập trung phải được kiểm dịch, khi tiêu thụ phải được đóng gói, có xác nhận kiểm dịch, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng về chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi phương thức chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia cầm theo hướng tập trung. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động thực hiện những biện pháp phòng chống dịch; phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu sản xuất văcxin cúm, máy thở.
Cuối tháng 10/2005, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã ký quyết định tạm dừng nhập khẩu tất cả các loại gia cầm, chim cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, thời gian từ 1/11 đến 31/3/2006. Đây là một trong nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch cúm.
(Theo Hà Nội Mới)