6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia

Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo 485/TB-VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, trong đó có chỉ tiêu về hạ tầng quan trọng, đặc biệt là đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành xây dựng một số cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng điện, hạ tầng viễn thông,... các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cùng thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

(1) Nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế.

(2) Đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa... với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

(3) Tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến; đào tạo nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án, đặc biệt đối với doanh nghiệp xây dựng.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia (Ảnh minh họa)

(4) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu... trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

(5) Các doanh nghiệp xây dựng cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt thể chế, cơ chế tạo nguồn lực tài chính, nguồn lực về con người và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong chuyển giao công nghệ.

(6) Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.

Thông báo 485/TB-VPCP được ban hành ngày 23/10/2024.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục