Để thực hiện các giải pháp nêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%; điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế, sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ để nhập khẩu theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được, hạn chế việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Bộ Công thương có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu, xi măng, thép; theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, bến bãi, kho chứa hàng, nguồn nhân lực,…để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
- LuậtViệtnam