Theo Điều 12 Thông tư 02/2025/TT-NHNN (hiệu lực từ 16/6/2025), chứng chỉ tiền gửi có thể được chuyển quyền sở hữu thông qua 05 hình thức sau:
(1) Mua bán
(2) Cho tặng
(3) Trao đổi
(4) Thừa kế
(5) Hình thức khác phù hợp với pháp luật
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép quy định chi tiết thủ tục chuyển quyền sở hữu phù hợp với đặc điểm kinh doanh của mình, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người mua và an toàn hoạt động ngân hàng.
Việc chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi, cũng như xử lý các trường hợp chứng chỉ bị nhàu nát, rách, mất... sẽ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phát hành hướng dẫn cụ thể.
Riêng người không cư trú (tổ chức, cá nhân nước ngoài) và người cư trú là cá nhân nước ngoài bắt buộc phải thực hiện thủ tục chuyển quyền trực tiếp tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành.
Công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành chỉ được phép chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi giữa các tổ chức (không áp dụng cho cá nhân).
Theo Điều 11 Thông tư 02/2025/TT-NHNN, chứng chỉ tiền gửi có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hướng dẫn của tổ chức phát hành, phù hợp với pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.