Từ 01/7/2019, nhiều chính sách quan trọng trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng chính thức có hiệu lực như quy định về tiền gửi tiết kiệm, việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên internet…
1. Phải đổi mật khẩu sau lần đầu đăng nhập Internet Banking
Đây là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư 35/2018/TT-NHNN sửa đổi một số nội dung về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet.
Cụ thể, ứng dụng Internet Banking phải có tính năng buộc khách hàng thay đổi mật khẩu ngay lần đăng nhập đầu tiên; khóa tài khoản truy cập nếu nhập sai mật khẩu liên tiếp quá số lần quy định.
Ngân hàng chỉ mở lại tài khoản khi khách hàng yêu cầu và phải xác thực khách hàng trước khi mở khóa, bảo đảm chống gian lận, giả mạo.
Ngoài ra, ứng dụng này phải xác thực người dùng khi truy cập và không có tính năng ghi nhớ mã khóa truy cập. Trường hợp xác thực sai liên tiếp quá số lần quy định, ứng dụng phải tự động khóa tạm thời không cho người dùng tiếp tục sử dụng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
2. Cá nhân cư trú từ 06 tháng trở lên được gửi tiền có kỳ hạn
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 49/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 05/7/2019.
Theo đó, đối tượng được gửi tiền có kỳ hạn bao gồm cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 06 tháng trở lên; Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Đối với khách hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thời hạn gửi tiền không quá thời hạn hiệu lực của thị thực, quyết định thành lập/giấy phép hoạt động…
3. Dưới 15 tuổi đã có thể gửi tiền tiết kiệm
Theo Thông tư 48/2018/TT-NHNN, công dân Việt Nam chưa đủ 15 tuổi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự cũng có thể gửi tiền tiết kiệm, tuy nhiên, việc này phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật.
Ngoài ra, người gửi tiền tiết kiệm còn có thể là người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự…
Một điểm đáng chú ý khác của Thông tư này là việc người nước ngoài không còn là đối tượng gửi tiền tiết kiệm.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/7/2019.
4. Hướng dẫn chi tiết tình tiết định tội “Tội rửa tiền”
Ngày 24/5/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP.
Theo đó, người thực hiện một trong các hành vi dưới đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền sẽ bị coi là phạm Tội rửa tiền:
- Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng: Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp; Cầm cố, thế chấp, cho vay, cho thuê…
- Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch như chơi, kinh doanh casino, trò chơi có thưởng, mua bán cổ vật,…
- Dùng tiền, tài sản để thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi.
- Dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 07/7/2019.
5. Sở Giao dịch Chứng khoán làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần
Thời gian giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được quy định tại Thông tư 30/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán tổ chức giao dịch công cụ nợ và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động và của cơ quan quản lý.
Thời gian giao dịch cụ thể do Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán quy định sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Riêng thời gian chào giá cam kết chắc chắn thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Thông tư số 111/2018/TT-BTC (từ 09 giờ đến 10 giờ 30 phút).
Thùy Linh