Tại phiên họp, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật và 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:
- Định danh nhà giáo;
- Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo;
- Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo;
- Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo;
- Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.Đồng thời, nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.
Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, do đó cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ Giáo dục phải chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật khi trình Chính phủ.Xem thêm nội dung Nghị quyết 95/NQ-CP.
Nếu có thắc mắc, độc giả vui lòng gọi tới tổng đài 19006192 để được tư vấn.