Bộ Thương mại cũng quy định dành 30% lượng đường cần nhập khẩu cấp cho các DN nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; số lượng, thời hạn do Bộ Công nghiệp thông báo.
30% lượng đường cần nhập khẩu còn lại cấp cho DN kinh doanh thương mại. Bộ Thương mại cũng cho biết sẽ cấp giấy phép nhập khẩu đường mía các loại cho 7 DN đầu mối, trong đó có một DN tại Hà Nội, hai tại TP.HCM, một ở Hải Phòng, một tại Đà Nẵng, một của Bộ NN-PTNT và một thuộc Bộ Thương mại.
Số còn lại (10%) trong tổng lượng đường cần nhập khẩu để dự phòng, nhằm can thiệp thị trường khi cần.
Theo Bộ này, đường mía cần nhập là các loại thuộc nhóm 1701 của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành. Đối với các loại đường mía cũng thuộc nhóm này nhưng nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng gia công xuất khẩu cho nước ngoài không cần có giấy phép của Bộ Thương mại.
Chính phủ vừa cho phép nhập khẩu 160.000 tấn đường từ 1-5 dùng cho nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, do giá đường thế giới tăng cao nên các DN được phép nhập khẩu chỉ thực hiện cầm chừng. Tính đến hết tháng 3, các DN mới nhập khẩu khoảng 40.000 tấn đường. Trong khi đó, thị trường mía - đường trong thời gian qua liên tục tăng giá cả nguyên liệu và thành phẩm. Giá mía nguyên liệu không ngừng tăng cao, từ 400.000 đồng/tấn lên đến 600.000-700.000 đồng/tấn và hiện thời giá đã lên đến kỷ lục 720.000 đồng/tấn.
Trong khi đó, mặc dù nhu cầu tiêu thụ đường kính không tăng, nhưng do giá nguyên liệu mía trong nước và giá đường thế giới tăng cao, nên giá bán buôn và bán lẻ đường trên thị trường hiện tăng 300-500 đồng/kg, phổ biến ở mức 11.000-12.500 đồng/kg, có nơi lên tới 13.500 đồng/kg.
(Theo VNN)