Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT (ban hành ngày 27/3/2025, hiệu lực ngày 05/5/2025) quy định rõ các hình thức, yêu cầu và quy trình tuyển sinh đối với các chương trình đào tạo liên kết giữa hai bên, áp dụng cho các chương trình đào tạo từ bậc đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ.
Phạm vi áp dụng của Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT bao gồm tất cả các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài tham gia vào các hoạt động liên kết đào tạo, với các yêu cầu về chất lượng và trình độ của người học, đặc biệt là về ngoại ngữ. Cụ thể:
- 03 hình thức liên kết đào tạo
(1) Liên kết đào tạo trực tiếp: Tối đa 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo thực hiện qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
(2) Liên kết đào tạo trực tuyến: Đảm bảo trên 50% tổng khối lượng chương trình đào tạo được thực hiện qua hệ thống đào tạo trực tuyến và chỉ áp dụng đối với trình độ đại học.
(3) Liên kết đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến: Từ 30% đến 50% tổng khối lượng chương trình đào tạo được thực hiện qua hệ thống đào tạo trực tuyến, áp dụng cho trình độ đại học và thạc sĩ.
- Về tuyển sinh liên kết đào tạo
- Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được xác định trong tổng chỉ tiêu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời đảm bảo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Minh chứng về trình độ ngoại ngữ của người học là một trong những yêu cầu quan trọng trong tuyển sinh. Các chứng chỉ ngoại ngữ phải được cấp bởi đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và phải đáp ứng các tiêu chuẩn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
- Quy định về hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học
Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chi tiết các kế hoạch tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, và việc công nhận trúng tuyển.
Các cơ sở giáo dục này cũng phải đảm bảo chất lượng ngoại ngữ của học viên trước khi tham gia các khóa học chính thức, đồng thời phải thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình tuyển sinh và công nhận kết quả học tập.