Để được áp dụng biện pháp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và ra quyết định công nhận được thực hiện kỹ thuật này, gửi tới Bộ Y tế. Những cơ sở đã được công nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục hoạt động mà không phải làm thủ tục công nhận lại. Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định cụ thể về trách nhiệm tư vấn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Theo đó, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được tư vấn về các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu người vợ trên 35 tuổi; chi phí điều trị cao; người mang thai hộ có thể sẽ muốn giữ đứa bé sau khi sinh… Đồng thời, người mang thai hộ cũng sẽ được tư vấn về nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai; cảm giác mất mát, mặc cảm sau khi trao lại con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2015; bãi bỏ Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003.
· LuatVietnam