15 tuổi đâm chết người vì ghen

Phát hiện Phong đăng lên facebook một số hình ảnh của bạn gái, Đạt tức giận mang dao tìm đến đâm chết Phong…

Tối 25/07, Chu Quang Đạt (15 tuổi, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) lên facebook thì phát hiện trang cá nhân của Nguyễn Văn Phong (17 tuổi) có đăng một số hình ảnh của bạn gái mình kèm những lời bình luận với nội dung yêu thương nên nổi cơn ghen. Nhắn tin hỏi nhưng Phong không thừa nhận, Đạt tức giận lấy dao đến quán game tìm Phong. Tại đây, trong lúc cự cãi, Đạt dùng dao đâm 2 nhát vào ngực trái của Phong khiến nạn nhân tử vong. Đạt hiện đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi giết người.


Hình ảnh minh họa

Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về “Tội giết người” như sau: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Giết trẻ em; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Vì động cơ đê hèn… Nếu phạm tội không thuộc các trường hợp vừa nêu thì bị phạt tù từ 07-15 năm.

Liên quan đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về căn cứ xác định tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự 1999 có nêu: Tội rất nghiêm trọng là tội gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức phạt cao nhất là 15 năm tù. Tội đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đối chiếu quy định này với Điều 93 nêu trên có thể thấy, giết người thuộc loại tội phạm  đặc biệt nghiêm trọng.

Quay lại trường hợp của Đạt, em thực hiện hành vi giết người - tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi. Do vậy, căn cứ vào những quy định nêu trên, Đạt sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự.Tuy nhiên, Đạt phạm tội khi mới 15 tuổi - độ tuổi chưa thành niên nên sẽ được xem xét áp dụng nguyên tắc xử lý với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình thức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng như không áp dụng hình phạt bổ sung với người chưa thành niên phạm tội (Điều 69 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 37/2009/QH12).

Trong khi đó, khoản 2 Điều 74 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội như sau: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, nếu Đạt bị khởi tố và bị đưa ra xét xử, mức phạt mà em phải nhận sẽ không quá 12 năm tù.

Mức phạt vừa nêu chỉ mang tính chất tham khảo, hành vi của Đạt đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo quy định của pháp luật, đối với người chưa thành niên phạm tội, do các em chưa có nhận thức đầy đủ cũng như chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm của hành vi do mình gây ra, chưa biết cách kiểm soát bản thân nên việc xử lý loại tội phạm này chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở lại thành con người có ích cho xã hội.

Trong những năm gần đây, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Sự việc của em Chu Quang Đạt nêu trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm này. Để góp phần hạn chế tối đa trường hợp trẻ chưa thành niên phạm tội, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục, định hướng trẻ.

Tham khảo thêm các quy định xử phạm với người chưa thành niên phạm tội tại đây:

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục