10 bánh heroin = Tử hình?

(LuatVietnam.vn) Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép heroin có trọng lượng từ 100g trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Sau một thời gian theo dõi, chiều 06/07, tại khu vực biên giới giáp Lào thuộc địa phận xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng gồm Phòng CSĐT Tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Nghĩa Đàn, Công an huyện Quế Phong đã tổ chức mai phục và bắt quả tang đối tượng Thò Bá Nái (27 tuổi, trú xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) khi đang vận chuyển trái phép ma túy. Tại hiện trường, Công an thu giữ tang vật gồm 10 bánh heroin, một khẩu K59 và 5 viên đạn. Được biết số hêrôin này do Nái mang từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Theo báo cáo, những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, ở những khu vực biên giới, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các đường dây buôn bán, vận chuyển chất ma túy vào nội địa với số lượng lớn. Đáng chú ý là tình trạng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam đang có xu hướng tăng cao. Theo số liệu được đưa ra tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy” tổ chức vào tháng 12/2016, tình trạng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam trong năm 2016 tăng gấp 4,6 lần so với năm 2015. Các đối tượng hoạt động với phương thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có phần liều lĩnh hơn.

(Hình minh họa)

Hêrôin cũng là một dạng ma túy, thuộc vào nhóm ma túy bán tổng hợp, được bào chế từ ma túy tự nhiên và một số chất phụ gia khác, có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu. Ma túy có tác hại rất lớn đến nền kinh tế, chính trị, xã hội, hạnh phúc, giống nòi, làm suy thoái lối sống, đạo đức… Không chỉ vậy, ma túy cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi trộm cắp, cướp của, giết người,.. ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10, sửa đổi, bổ sung tại Luật số 16/2008/QH12 có quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần… Mọi hành vi vi phạm pháp luật về luật này phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 194 - Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy có quy định: Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02-07 năm. Đây là mức án thấp nhất được quy định cho tội này. Trong trường hợp có những tình tiết tặng nặng, đối tượng phạm tội sẽ phải chịu mức án cao hơn. Theo đó, phạt tù từ 07-15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Vận chuyển, mua bán qua biên giới; Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ 500g đến dưới 1kg; Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam; Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ 10kg đến dưới 25kg… Đối với những đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ 5kg trở lên; Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ 100g trở lên; Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ 75kg trở lên;… thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05-500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.

Quay trở lại trường hợp của đối tượng Nái nêu trên, Nái vận chuyện 10 bánh hêrôin trái phép từ Lào về Việt Nam đã đủ cơ sở để xử lý theo Điều 194.

Bên cạnh việc vận chuyển trái phép chất ma túy, Nái còn bị phát hiện tàng trữ, sử dụng súng quân dụng K59. Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Pháp lệnh 07/2013/UBTVQH13 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định 6 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không và lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các đối tượng không được quy định ở Pháp lệnh này, nếu sử dụng vũ khí quân dụng thì bị coi là sử dụng trái phép.

Điều 230 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01-07 năm, đây là khung hình phạt thấp nhất cho tội này và cao nhất là tù chung thân.

Để tìm hiểu thêm rõ về các quy định liên quan, bạn đọc vui lòng tham khảo các văn bản sau:

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội

Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý số 16/2008/QH12 của Quốc hội

Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Pháp lệnh 07/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thời hạn nộp chi phí tham gia đấu thầu

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.