Theo đó, công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến khi đang đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ địa phương đến Trung ương, tổ chức kinh tế có nhiều lao động hoặc có tác động lớn đến hoạt động kinh tế một vùng, một ngành, một lĩnh vực kinh tế đất nước; nếu công dân này nhập ngũ sẽ trực tiếp làm giảm, làm gián đoạn hoặc ngừng hoạt động của cơ quan, tổ chức đó, trực tiếp ảnh hưởng việc duy trì quản lý, hoạt động của xã hội và hoạt động của nền kinh tế đất nước.
Công dân được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và đang hưởng lương cao cấp về chuyền môn, nghiệp vụ đó; công dân có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệp để duy trì hoạt động của cơ quan, tổ chức lớn trong thời chiến; công dân có trình độ nghiên cứu khoa học cao hoặc là nguồn để phát triển tài năng cho đất nước cũng được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.
Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với công dân là con độc nhất hoặc con trai duy nhất của liệt sỹ; công dân nằm trong kế hoạch bảo đảm cho hoạt động quốc phòng trong thời chiến.
Tuy nhiên khi có nhu cầu cần thiết, Bộ Quốc phòng được phép điều động một số công dân có chuyên môn thuộc các đối tượng quy định nêu trên vào phục vụ trong quân đội. Công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, nếu có đơn tình nguyện phục vụ trong quân đội và được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng người đó thì có thể được gọi nhập ngũ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2011 và thay thế Nghị định số 82/HĐBT ngày 06/05/1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành bảng danh mục các chức vụ và nghề nghiệp những người thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên.
- LuậtViệtnam