Theo đó, người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật (tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó); đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Trung tâm Giới thiệu việc làm) khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật; chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm (ngày thứ nhất trong mười lăm ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc). Ngày làm việc áp dụng cho tất cả các trường hợp trong Thông tư này là ngày làm việc từ ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hằng tuần.
Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH cũng bổ sung quy định về giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho các trường hợp đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ quá hạn quy định. Cụ thể, trường hợp người lao động đăng ký thất nghiệp quá bảy ngày nhưng nhiều nhất không quá ba mươi ngày tính theo ngày dương lịch kể từ ngày hết hạn đăng ký thất nghiệp theo quy định được đăng ký thất nghiệp và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp: ốm đau, thai sản có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên; bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên hoặc xác nhận của cảnh sát giao thông đối với trường hợp bị tai nạn giao thông; do thiên tai, dịch họa có xác nhận của chủ tịch UBND cấp xã theo đơn đề nghị của người lao động. Các trường hợp này cũng được tiếp nhận giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp quá mười lăm ngày nhưng nhiều nhất không quá ba mươi ngày tính theo ngày dương lịch kể từ ngày hết hạn nộp đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Thông tư số 04/2009/TT- BLĐTBXH ngày 22/01/2009.
- LuậtViệtnam