Giết người là một trong những hành vi xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, Nhà nước quy định, người có hành vi giết người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Khi nào phạm tội giết người bị tử hình?
Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong đó, mức phạt với tội giết người được quy định như sau:
1. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Giết 02 người trở lên;
- Giết người dưới 16 tuổi;
- Giết phụ nữ mà biết là có thai;
- Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
- Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
- Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
- Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
- Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
- Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
- Thuê giết người hoặc giết người thuê;
- Có tính chất côn đồ;
- Có tổ chức;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Vì động cơ đê hèn.
Như vậy, hành vi giết người thuộc các trường hợp nêu trên có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Để bị tuyên án tử hình, người phạm tội phải thực hiện hành vi giết người thuộc một trong các trường hợp trên theo Điều 123. Đồng thời, Thẩm phán là người quyết định hình phạt sẽ dựa trên các tình tiết tăng nặng, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, hậu quả và thiệt hại đã gây ra … để quyết định người phạm tội giết người có bị tử hình hay không.
2. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội giết người nhưng không thuộc các trường hợp vi phạm tại mức phạt (1).
3. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm với trường hơp chuẩn bị phạm tội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Một số tội khác có hành vi giết người nhưng không bị tử hình
Ngoài tội giết người quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự còn có một số quy định với các tội khác cùng có hành vi giết người nhưng không có mức phạt tử hình, cụ thể như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; Tội giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh; Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Mức phạt cụ thể với các tội trên được quy định như sau:
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Tại Điều 124 quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau:
- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, cùng là hành vi giết người nhưng tội giết con mới đẻ không có mức phạt tử hình.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Theo Điều 125, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh khác với tội giết người quy định tại Điều 123 ở chỗ, tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó.
Ví dụ: Anh An uống say nên đã dùng lời lẽ xúc phạm nặng nề, chửi bới thậm tệ và đánh vào đầu anh Bình đang ngồi ăn bàn bên cạnh. Trong lúc mâu thuẫn, anh Bình bị kích động mạnh, không kiềm chế được nên đã dùng dao đâm vào bụng anh An và gây hậu quả chết người. Hành vi giết người của anh Bình là phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự. Theo đó, anh Bình có thể bị phạt tù từ 03 - 07 năm và không bị tử hình.
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Điều 126 quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:
- Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Trong đó, theo quy định tại Điều 22, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Cũng tại Điều 22, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Tóm lại, người thực hiện hành vi giết người chỉ bị tử hình khi phạm tội giết người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Các trường khác không bị áp dụng hình phạt tử hình.