Những trường hợp được gia hạn nộp thuế

Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế và nộp đầy đủ hồ sơ chứng từ cho cơ quan thuế đúng thời hạn. Song, có một số trường hợp người nộp thuế được gia hạn nộp thuế.

Những trường hợp được gia hạn nộp thuế

Theo khoản 4, Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC  việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo một trong 4 trường hợp sau:

Thứ nhất, bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: Máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.

Trong trường hợp này, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế

Thứ hai, phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chù kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác.

Trong 3 trường hợp còn lại, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Những trường hợp được gia hạn nộp thuế
3 trường hợp được gia hạn nộp thuế (Ảnh minh họa)


Thủ tục gia hạn nộp thuế

Theo khoản 1 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2015/TT-BTC, người nộp thuế thuộc diện được gia hạn nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Thành phần hồ sơ, bao gồm:

+ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế (tất cả các trường hợp gia hạn)

+ Tài liệu liên quan theo từng trường hợp cụ thể:

- Đối với trường hợp bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì phải có:

+ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;

+ Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức sau: cơ quan công an; UBND cấp xã, phường; Ban quản lý Khu công nghiệp…

+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có).

Đối với người nộp thuế là pháp nhân thì các tài liệu nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu của đơn vị.

- Đối với trường hợp di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với người nộp thuế;

+ Đề án di dời, kế hoạch và tiến độ thực hiện di dời của người nộp thuế;

+ Tài liệu chứng minh người nộp thuế ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó xác định rõ thời điểm bắt đầu ngừng sản xuất kinh doanh, chi phí di dời, thiệt hại do di dời, ngừng sản xuất kinh doanh gây ra (nếu có).

- Đối với trường hợp khó khăn đặc biệt khác:

+ Văn bản của cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi cơ quan thuế cấp trên;

+ Bản sao các văn bản về gia hạn, xoá nợ, miễn thuế, giảm thuế đối với người nộp thuế của cơ quan thuế ban hành trong thời gian hai (02) năm trước đó (nếu có);

+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người nộp thuế khi thực hiện quyết định.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục