3 cấp độ gây thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới

Bão và áp thấp nhiệt đới là một trong những loại thiên tai thường xuyên tại Việt Nam. LuatVietnam cập nhật chi tiết các cấp độ gây thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới mà pháp luật quy định.


Nguyên tắc phân cấp thiệt hại do thiên tai

Theo khoản 2 Điều 3 Luật phòng chống thiên tai 2013, thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế-xã hội được gọi là rủi ro thiên tai.

- Rủi ro thiên tai được phân cấp đối với từng loại thiên tai, căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

- Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 05 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:

+ Cấp 01 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ;

+ Cấp 02 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;

+ Cấp 03 màu da cam là rủi ro lớn;

+ Cấp 04 màu đỏ là rủi ro rất lớn;

+ Cấp 05 màu tím là thảm họa.

- Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, làm cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai, cụ thể:

+ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thống tấn xã Việt Nam… phát, đưa tin đầy đủ nội dung chỉ đạo trong các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi nhận được và phát lại với tần suất tối thiểu 03 giờ/lần đối với thiên tai đến cấp độ 03;

+ Đối với thiên tai trên cấp độ 03, tối thiểu 01 giờ/lần cho đến khi có văn bản chỉ đạo mới hoặc hoạt động ứng phó thiên tai đã được thực hiện hoặc diễn biến thiên tai đã thay đổi không còn ảnh hưởng.

Cấp độ gây thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đớiCấp độ gây thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới (Ảnh minh hoạ)

Các cấp độ gây thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới

Căn cứ Điều 3 Quyết định 44/2014/NĐ-CP, các cấp độ cụ thể như sau:

Cấp độ

Các trường hợp

Cấp độ 3 (Rủi ro lớn)

- Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ (bao gồm vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.

- Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

- Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Cấp độ 4 (Rủi ro rất lớn)

- Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ.

- Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

- Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Cấp độ 5 (Thảm hoạ)

- Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ.

- Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

Như vậy, cấp độ gây thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới sẽ được phân loại theo cường độ bão. Mục đích chính của việc phân loại là nhằm tổ chức và phối hợp tốt trong công tác phòng chống thiên tai do bão và áp thấp nhiệt đới.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục