Doanh nghiệp dưới 10 lao động hay doanh nghiệp siêu nhỏ đang đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động hiện nay, là nơi cung cấp việc làm chính cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi. Pháp luật hiện hành đang dành ưu đãi nào cho các doanh nghiệp này?
1. Không phải đăng ký nội quy lao động
Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải đăng ký nội quy lao động.
Trường hợp ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực của nội quy sẽ do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy; trường hợp không ban hành nội quy bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và ghi trong hợp đồng lao động để thực hiện.
Ưu đãi nào dành cho doanh nghiệp dưới 10 lao động?
2. Không bắt buộc bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
Theo Bộ luật Lao động 2012, tại Điều 139, những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, với những doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động thì không bắt buộc phải có người chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, an toàn lao động, vệ sinh lao động là điều kiện thiết yếu để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Chính vì vậy, dù không bắt buộc nhưng các doanh nghiệp cũng nên có người am hiểu vấn đề này để có thể kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình làm việc.
3. Không phải tổ chức hội nghị người lao động
Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó nêu rõ việc tổ chức hội nghị người lao động.
Cụ thể, hội nghị người lao động do người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động tại cơ sở tổ chức thực hiện. Hội nghị được tổ chức ít nhất 01 lần/năm theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.
Đáng chú ý, Điều 12 Nghị định này nêu rõ, người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 lao động được miễn tổ chức hội nghị người lao động và không phải ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản.
4. Được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương
Mỗi doanh nghiệp khi đi vào hoạt động đều có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Với những doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, theo Nghị định 121/2018/NĐ-CP, sẽ được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ không ít
5. Được áp dụng thủ tục kế toán và thuế đơn giản
Theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động là một trong những tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bởi bên cạnh tiêu chí về số lượng lao động thì doanh nghiệp siêu nhỏ còn là doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng nếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng; tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng nếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Do đó, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, nếu doanh nghiệp sử dụng dưới 10 động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản.
6. Không cần phải có kế toán trưởng
Nội dung này được quy định tại Điều 8 Thông tư 132/2018/TT-BTC áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có dưới 10 người lao động, đáp ứng được tiêu chí về doanh thu hay nguồn vốn như đã phân tích, thì được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
Đồng thời, được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc kế toán trưởng.
7. Được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật
Ưu đãi này chỉ dành cho doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thuộc dạng doanh nghiệp siêu nhỏ.
Cụ thể tại Nghị định 55/2019/NĐ-CP, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa là 05 năm kể từ ngày được phê duyệt.
Đặc biệt, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên và doanh nghiệp, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm.
Xem thêm:
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2019
Quy định về doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nhiều vấn đề đáng quan tâm