Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Thủ tục đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh

Giảm trừ gia cảnh là chế độ của pháp luật dành cho người có thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân, để họ giữ lại một khoản tiền chăm lo cho cuộc sống của bản thân và người phụ thuộc được tốt hơn.

Đối tượng được đăng ký người phụ thuộc

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 92/2015/TT-BTC), người nộp thuế có thu nhập từ 09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) trở lên và có người phụ thuộc thuộc những trường hợp dưới đây thì được đăng ký người phụ thuộc:

- Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, gồm:

+ Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng);

+ Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động;

+ Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế.

- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế.

- Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng:

+ Anh ruột, chị ruột, em ruột;

+ Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột;

+ Cháu ruột: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

+ Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác.

Lưu ý: Ngoại trừ con, các đối tượng phụ thuộc khác được kể trên phải có đủ các điều kiện:

- Đối với người trong độ tuổi lao động, phải là người bị khuyết tật, không có khả năng lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

- Đối với người ngoài độ tuổi lao động, phải là người không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

Người phụ thuộc

Đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh
 

Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

Cũng theo Điều 9 Thông tư 111, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc sẽ có sự khác nhau giữa các đối tượng.

Đối với con

- Con dưới 18 tuổi:

+ Bản chụp Giấy khai sinh;

+ Bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có).

- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động:

+ Bản chụp Giấy khai sinh;

+ Bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có);

+ Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật.

- Con đang theo học tại các bậc học:

+ Bản chụp Giấy khai sinh;

+ Bản chụp Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc học nghề.

- Con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng:

Ngoài các giấy tờ theo từng trường hợp nêu trên, còn cần: Bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...

Đối với vợ hoặc chồng

- Bản chụp Chứng minh nhân dân;

- Bản chụp sổ hộ khẩu (chứng minh được mối quan hệ vợ chồng) hoặc Bản chụp Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên thì cần thêm giấy tờ khác chứng minh người phụ thuộc không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn...).

Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp

- Bản chụp Chứng minh nhân dân;

- Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, còn phải có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật hoặc người mắc bệnh không có khả năng lao động như đã đề cập.

Đối với các cá nhân khác

- Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh;

- Bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của người nộp thuế với người phụ thuộc như:

+ Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng (nếu có);

+ Bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu);

+ Bản chụp đăng ký tạm trú của người phụ thuộc (nếu không cùng sổ hộ khẩu);

+ Bản tự khai của người nộp thuế có xác nhận của UBND cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng;

+ Bản tự khai của người nộp thuế có xác nhận của UBND cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng)…

Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ xác nhận không có khả năng lao động.

Lưu ý về địa điểm và thời gian nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:

- Địa điểm: Nơi người nộp thuế nộp bản đăng ký người phụ thuộc.

- Thời hạn: Trong vòng 03 tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký thay đổi người phụ thuộc).

Quá thời hạn nêu trên, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ chứng minh sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp.

Thủ tục đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh

Thủ tục đăng ký người phụ thuộc
 

Thủ tục đăng ký người phụ thuộc

Nội dung này được quy định chi tiết tại khoản 10 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BTC như sau:

Đối với người nộp thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ, gồm:

- Tờ khai đăng ký người phụ thuộc (mẫu số 20-ĐK-TCT) (trên tờ khai đánh dấu vào ô "Đăng ký thuế" và ghi đầy đủ các thông tin)

- Bản sao không yêu cầu chứng thực Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực (đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên) hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (đối với cá nhân là người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi);

- Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (đối với cá nhân là người phụ thuộc có quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam sống ở nước ngoài).

Bước 2. Nộp hồ sơ cho cơ quan thuế.

Đối với người nộp thuế nộp thông qua cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ, gồm:

Văn bản ủy quyền và giấy tờ của người phụ thuộc (bản sao không yêu cầu chứng thực Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực (đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên) hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (đối với cá nhân là người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi); bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (đối với cá nhân là người phụ thuộc có quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam sống ở nước ngoài).

Bước 2. Nộp hồ sơ cho cơ quan chi trả thu nhập.

- Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc;

- Gửi Tờ khai đăng ký thuế tổng hợp cho người phụ thuộc (mẫu số 20-ĐKT-TH-TCT) (trên tờ khai ghi đầy đủ các thông tin và đánh dấu vào ô "Đăng ký thuế") qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc bằng giấy.

Xem thêm:

Mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân

Quy trình đăng ký thuế cho người phụ thuộc

LuatVietnam.vn

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

hoạt động cùng chuyên mục