Việc làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động. Nếu người lao động không đồng ý mà doanh nghiệp vẫn ép họ đi làm dịp Tết Dương, mức phạt lên đến 15 triệu đồng.
Quy định về làm thêm giờ
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật lao động 2012 ngày Tết Dương lịch người lao động được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.
Trong ngày này, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng được đủ các điều kiện của pháp luật:
- Được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Tết Dương lịch: Ép nhân viên đi làm, doanh nghiệp bị phạt nặng
Như vậy, việc làm thêm giờ nhất định phải nhận được sự đồng ý của người lao động trừ trường hợp:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Hiện nay, làm thêm giờ vào ngày Tết Dương lịch người lao động được hưởng ít nhất 400% lương.
Ép lao động đi làm Tết Dương lịch, doanh nghiệp bị phạt đến 15 triệu đồng
Hiện nay, các quy định của pháp luật hầu hết đều bảo vệ quyền lợi của người lao động bởi họ là bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động. Việc làm thêm vào dịp Tết Dương lịch, dù mức lương được trả lên đến 400% nhưng nếu người lao động không đồng ý thì doanh nghiệp không được phép ép họ đi làm.
Để đảm bảo quy định này được thực thi, Nghị định 95/2013/NĐ-CP đã đưa ra mức phạt khá nặng cho hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức như sau:
- Từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 3 triệu đến 7 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 10 triệu đến 15 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Xem thêm:
Lương, thưởng của người lao động dịp Tết Dương lịch 2019
LuatVietnam.vn