Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Mức đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn mới nhất

Mức đóng kinh phí công đoàn

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH (tiền lương đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác).

Với mức đóng này, công đoàn cơ sở được sử dụng 70% tổng số thu kinh phí công đoàn; công đoàn cấp trên (các cấp) được sử dụng 30% tổng số thu kinh phí công đoàn (theo Hướng dẫn 1609/HD-TLĐ).

Mức đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn năm 2020

Mức đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn ra sao? (Ảnh minh họa)
 

Mức đóng đoàn phí công đoàn

Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ quy định, mức đóng đoàn phí công đoàn của đoàn viên ở các công đoàn cơ sở thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tối đa bằng 10% mức lương cơ sở.

Với những đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng BHXH thì đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1% mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở bằng 1.490.000 đồng/tháng thì mức đóng đoàn phí cao bằng 149.000 đồng/tháng và thấp nhất bằng 14.900 đồng/tháng.

Lưu ý:

- Người lao động không gia nhập tổ chức công đoàn hoặc doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn thì không phải đóng đoàn phí công đoàn.

- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp BHXH từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí.

- Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó cũng không phải đóng đoàn phí.

 

Thời hạn đóng phí công đoàn?

Theo Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, phí công đoàn được đóng mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Với doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì có thể đóng theo tháng hoặc quý nhưng vẫn cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc.

Lưu ý: Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn tại phòng kế toán của Liên đoàn lao động quận (huyện) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Xem thêm:

Phân biệt “Đoàn phí công đoàn” và “Kinh phí công đoàn”

Tăng lương tối thiểu vùng có tác động như thế nào đến người lao động?

Tăng lương tối thiểu vùng ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp?

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

hoạt động cùng chuyên mục