Dù được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tuy nhiên, trên thực tế, người lao động luôn là bên yếu thế trong quan hệ lao động. Để bảo vệ việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, pháp luật đặt ra nhiều hình phạt cho doanh nghiệp khi đuổi việc nhân viên trái luật.
10 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được ghi nhận
Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 liệt kê 10 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ngoài những trường hợp này thì đều bị coi là chấm dứt hợp đồng trái luật.
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ;
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
- Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu;
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án;
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.
Hậu quả khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật
Đuổi nhân viên trái luật, doanh nghiệp chịu hậu quả
Mất việc làm đồng nghĩa với việc cuộc sống của bản thân người lao động cũng như gia đình họ sẽ bị xáo trộn. Chính vì vậy, bảo vệ việc làm cho người lao động là điều tất yếu.
Theo đó, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, doanh nghiệp có nghĩa vụ:
(1) Nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và trả đủ tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc, cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
(2) Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường tại mục (1) thì doanh nghiệp còn phải trả trợ cấp thôi việc.
(3) Nếu doanh nghiệp không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường tại mục (1) và trợ cấp thôi việc thì hai bên thỏa thuận bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng lương theo hợp đồng để chấm dứt hợp đồng.
(4) Nếu không còn vị trí, công việc đã giao kết theo hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường tại mục (1), hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
(5) Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng mà vi phạm quy định về thời gian báo trước thì bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, trong một số trường hợp, người sử dụng lao động còn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sa thải người lao động trái luật, cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động phải thôi việc gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm khi thuộc một trong những trường hợp:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
+ Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.