Thang lương, bảng lương là căn cứ để doanh nghiệp xây dựng mức lương cho người lao động. Doanh nghiệp có thang bảng lương sẽ thể hiện sự công khai, minh bạch trong việc chi trả lương cho nhân viên.
Bộ luật lao động 2012 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương dựa trên các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương do Chính phủ ban hành để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng thang bảng lương không?
Nếu người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm này sẽ bị xử phạt. Theo quy định của Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
- Người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Trường hợp doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc xây dựng không đúng quy định pháp luật hoặc sử dụng thang bảng lương không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thang bảng lương có ý nghĩa lớn với người lao động. Trường hợp doanh nghiệp trả lương cho người lao động thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện, người lao động có quyền khiếu nại. Mức phạt với doanh nghiệp trong trường hợp này là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.