Trong điều kiện hội nhập như hiện nay, việc chuyển dịch lao động giữa các quốc gia ngày càng phổ biến. Ở Việt Nam, pháp luật đưa ra những quy định không quá khắt khe đối với người nước ngoài muốn làm việc tại đây.
Điều kiện công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam
Đối với công dân nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam, cần đáp ứng một số điều kiện được quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2012:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
- Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng yêu cầu lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài
Theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị.
- Phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 6 tháng từ ngày cấp.
- Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật
- 02 ảnh mầu 4cm x 6cm.
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu
- Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt
- Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài được nộp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Giấy phép lao động có thời hạn không quá 2 năm.
Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) gửi báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.