Theo luật lao động, người lao động sẽ được hưởng thêm 300% tiền lương làm thêm giờ và cộng thêm tiền lương ngày đó khi đi làm ngày nghỉ lễ.
Người lao động nghỉ lễ được hưởng nguyên lương
Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2012, người lao động Việt Nam sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch
- Tết Âm lịch
- Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Ngày Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, người lao động Việt Nam sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công việc, một số doanh nghiệp có thể cần người lao động đi làm vào hai ngày nghỉ lễ này. Vậy, khi đó, lương của 2 ngày này sẽ tính như thế nào?
Nhiều doanh nghiệp cần người lao động đi làm dịp nghỉ lễ
Đi làm ngày lễ, được hưởng ít nhất 300% lương
Theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 97 Bộ luật lao động 2012 thì người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
“c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.
Như vậy, người lao động sẽ được hưởng 300% là tiền làm thêm và cộng thêm tiền lương của ngày làm việc đó. Tổng số tiền lương người lao động đi làm thêm vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 ít nhất lên tới 400%.
Người sử dụng lao động trả lương không đúng có thể bị phạt
Theo quy định về xử phạt hành vi trả lương không đúng hoặc không trả lương làm thêm giờ tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì:
“3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.
Đồng thời, người sử dụng lao động sẽ bị buộc phải hoàn trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định.