Tuy đối tượng của luật doanh nghiệp 2014 quy định rất rộng, nhưng công chức lại bị hạn chế một số quyền theo luật cán bộ, công chức năm 2008.
Công chức không được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp
Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định mọi tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và tham gia quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số đối tượng bị hạn chế quyền này được quy định tại Khoản 2, Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, điểm b, khoản 2 điều này quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”
Như vậy, công chức không có quyền tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Công chức được tham gia góp vốn trừ một số trường hợp nhất định
Luật doanh nghiệp cũng quy định rất “mở” đối với người muốn góp vốn, mua cổ phần vốn góp. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn bị hạn chế quyền này.
Căn cứ vào Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp như sau:
“3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
…
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”
Đối chiếu với quy định tại Điều 20 Luật cán bộ, công chức năm 2008 thì cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Công chức không được tham gia thành lập doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định như sau:
"2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước".
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì cán bộ, công chức có thể tham gia góp vốn nhưng không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động cùng phạm vi ngành nghề người đó trực tiếp quản lý. Điều này tạo được sự công bằng, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.