Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách tối đa bởi đối tượng này thường yếu thế hơn, bị phụ thuộc và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động. Đồng thời, sự hiểu biết về pháp luật của họ cũng thường hạn chế nên phải chịu nhiều thiệt thòi trong quan hệ lao động.
BHXH là kênh giảm thiểu rủi ro của người lao động
BHXH được Nhà nước XHCN Việt Nam coi là sự bảo đảm, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm/mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động và kể cả khi họ chết. Việc được hưởng hay không, mức hưởng BHXH như nào phụ thuộc vào việc người lao động có đóng vào quỹ BHXH hay không và mức đóng như thế nào.
Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, pháp luật Việt Nam yêu cầu người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động ở hầu hết các quan hệ lao động. Chỉ cần giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng cũng đã thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc.
Pháp luật cũng quy định mức đóng vào quỹ BHXH của chủ doanh nghiệp cao hơn nhiều so với mức người lao động phải đóng. Vì vậy, người sử dụng lao động thường tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ này.
Mức phạt nghiêm khắc cho chủ doanh nghiệp không đóng BHXH
Hình phạt nghiêm khắc cho người trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH
BHXH là hình thức bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, kể cả khi người lao động từ chối được bảo vệ quyền lợi bằng cách thỏa thuận không tham gia BHXH bắt buộc, người lao động vẫn bị xử phạt. Hiện nay, mức xử phạt tối đa cho hành vi này là 1.000.000 đồng, được quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Đối với người sử dụng lao động, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, mức phạt sẽ từ 12% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc phải đóng. Ngoài ra, buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc chưa đóng và khoản tiền lãi số tiền chưa đóng theo lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.
Nghiêm khắc hơn nữa, Bộ luật hình sự 2015 đã dành riêng Điều 216 để quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hình phạt cao nhất của tội này lên đến 07 năm tù. Mức phạt tiền còn có thể lên tới 03 tỷ đồng.