Người chết vì Covid-19, thi thể được xử lý thế nào?

Hiện nay, số người chết vì Covid-19 vẫn đang tăng lên. Vậy với tính chất là bệnh truyền nhiễm nhóm A, thi hài người chết sẽ được xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

Riêng với thi hài nhiễm Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn, thi hài nhiễm Covid-19 phải được hỏa táng, chỉ mai táng khi không thực hiện được việc hỏa táng. Đồng thời phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

1/ Tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh

Theo Quyết định 5188, ngay sau khi người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 tử vong, tử thi xử lý như sau:

- Bọc kín thi hài bằng túi đựng thi hài, sử dụng vật liệu chống thấm lót bên trong nếu có nguy cơ thấm dịch tiết ra ngoài.

- Phun khử khuẩn bên ngoài lớp túi thứ nhất bằng dung dịch hóa chất khử trùng có Clo hoạt tính 0,1%. Thực hiện tương tự với lớp túi đựng thi hài thứ hai. Túi đựng thi hài phải bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không dễ bị bục/thủng, thành túi có độ dày ≥ 150 μm; Khóa kéo phải kín và chắc chắn.

- Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 02 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi hài bằng 02 lớp ni-lon. Phun khử khuẩn bên ngoài lớp ni-lon thứ nhất bằng dung dịch hóa chất khử trùng có Clo hoạt tính 0,1%. Thực hiện tương tự với lớp ni-lon thứ hai.

- Sau khi đóng kín túi đựng thi hài, sử dụng thẻ hoặc miếng dán có biểu tượng nguy hại sinh học (theo quy định tại Thông tư 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng) ở bên ngoài túi.

- Trải một chiếc vải trải giường sạch lên xe chở thi hài, đặt thi hài lên trên tấm vải sạch, đi tới gần cửa buồng bệnh và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân (để đồ tháo bỏ ở phía trong buồng bệnh), khử khuẩn tay và ra ngoài buồng bệnh.

- Nhân viên nhà đại thể mang đủ phương tiện phòng hộ cá nhân tiếp nhận thi hài bên ngoài buồng bệnh, vận chuyển thi hài về nhà đại thể.

- Khử khuẩn lại toàn bộ buồng bệnh, hành lang sau khi xử lý.

- Trong suốt thời gian kể từ khi người bệnh tử vong tới khi mang thi hài ra khỏi buồng bệnh, nhân viên y tế tại khoa có người bệnh tử vong cần giám sát nhắc nhở tất cả đối tượng vào buồng bệnh phải thực hiện đúng quy định về cách ly phòng ngừa lây nhiễm.

Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm:

- Thực hiện khâm liệm càng sớm càng tốt.

- Khâm liệm tử thi phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện. Hạn chế tối đa số người tham gia khâm liệm.

- Người trực tiếp tham gia khâm liệm phải mang khẩu trang ngoại khoa, găng tay, áo choàng giấy, mũ, ủng. Vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn và rửa sạch tay bằng xà phòng.

- Tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng tử thi trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong.

Đặc biệt, hạn chế người vào viếng. Những ai vào viếng phải mang khẩu trang, không đụng chạm vào quan tài và vệ sinh tay bằng dung dịch cồn sau khi viếng.

Ngoài ra, phải vận chuyển thi hài thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn (trong trường hợp tại tỉnh/thành nơi chuyển thi hài tới không có nơi hỏa táng) theo kế hoạch đã thống nhất với Trung tâm kiểm soát bệnh tật đại phương. Chuyển thi hài bằng xe ô tô chuyên dụng thẳng tới nơi hoả táng hoặc nơi chôn. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài.

xử lý thi hài người chết vì Covid-19

Xử lý thi hài người chết vì Covid-19 thế nào? (Ảnh minh họa)

2/ Tử vong tại cộng đồng

Theo quy định tại Quyết định số 2233, ngay sau khi có người tử vong do nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, cần phải gọi điện thông báo chính quyền, cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế theo đường dây 19003228 hoặc 19009095 để được tư vấn, hỗ trợ xử lý thi hài.

Cần phải hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm Covid-19, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài.

Thi hài được xử lý như sau:

- Dùng vật liệu chống thấm lót bên trong túi đựng thi hài và đóng kín túi. Nếu không có túi đựng, quấn kín thi hài bằng 01 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi hài bằng 01 lớp ni-lon và dán hoặc buộc chặt. Sử dụng thẻ hoặc miếng dán cảnh báo “THI HÀI NHIỄM SARS-COV-2” ở bên ngoài túi.

- Lau khử khuẩn bên ngoài túi đựng thi hài bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt. Ưu tiên sử dụng dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính.

Khi khâm liệm phải tiến hành trong vòng 06 giờ kể từ khi tử vong hoặc khi phát hiện thi hài. Việc khâm liệm được thực hiện như sau:

- Lót một tấm ni-lon lớn đủ để bao bọc thi hài dưới đáy quan tài, đặt thi hài lên tấm ni-lon đã lót dưới đáy quan tài và gói kín.

- Đóng kín quan tài. Kiểm tra và dán kín các khe hở của quan tài để đảm bảo không bị rò rỉ dịch ra ngoài.

- Lau toàn bộ quan tài bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt.

Sau đó phải khử khuẩn, xử lý môi trường toàn bộ khu vực, buồng, phòng có người tử vong: Thu gọn toàn bộ đồ vải, vật dụng cá nhân cần bỏ của người tử vong, bọc trong hai túi màu vàng, buộc chặt miệng túi. Bên ngoài phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và đưa đi xử lý theo quy định.

Đồng thời cũng phải xử lý toàn bộ các bề mặt khu vực có người tử vong bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt.

Lưu ý: Sau khi xử lý xong thi hài thì tất cả những người tham gia đều phải rửa sạch tay với nước sạch và xà phòng, sau đó khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

Có thể thực hiện hỏa táng hoặc mai táng và phải tiến hành trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

- Hỏa táng: Sau khi hỏa táng phải khử khuẩn nền nhà, tường, cửa phòng tiếp nhận, dụng cụ, trang thiết bị liên quan bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt; người tham gia hỏa táng phải rửa sạch tay với nước và xà phòng, khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn;

- Mai táng: Chọn nơi đất cao, cuối hướng gió, không bị ngập úng để đào huyệt. Sau khi mai táng xong, người tham gia phải tháo, cởi các phương tiện bảo vệ cá nhân, vệ sinh tay bằng nước và xà phòng, khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Trên đây là cách xử lý thi hài người chết vì Covid-19 theo hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế. Độc giả có thể theo dõi thêm các thông tin khác về dịch bệnh này tại đây:

>> Tin mới nhất về Dịch Covid-19

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.

Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá [mới nhất]

Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá [mới nhất]

Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá [mới nhất]

Ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2024/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số thủ tục hành chính. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Nghị định 78.