Khi nào vụ án hình sự được xét xử lưu động?

Vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên ngày hôm nay (26/12/2019) sẽ được đưa ra xét xử lưu động. Vậy nên hiểu việc xét xử lưu động thế nào? Khi nào một vụ án hình sự được xét xử lưu động?


Chưa có quy định nào về xét xử lưu động

Hiện nay, chưa có một quy định nào trong các văn bản pháp luật về việc xét xử lưu động. Nhưng có thể hiểu xét xử lưu động là việc Tòa án xét xử công khai một vụ án ở ngoài trụ sở của Tòa án, có thể là một hội trường lớn, một sân vận động, sân trường học, hội chợ, siêu thị... mà ở đó, tất cả mọi người dân đều có thể đến xem. Việc xét xử lưu động có ý nghĩa răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến rộng rãi với người dân. 

Trong thực tiễn xét xử, thông thường các vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… sẽ được đưa ra xét xử lưu động.

Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nêu rõ, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa trừ trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi … thì Tòa án sẽ xử kín nhưng sẽ tuyên án công khai.

Tại Nghị quyết 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, Quốc hội nêu rõ:

Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động.

Tuy nhiên, đến Nghị quyết Nghị quyết số 96/2019/QH14 thay thế cho Nghị quyết 37, Quốc hội đã không còn đề cập đến vấn đề xét xử các vụ án xét xử lưu động.

Tóm lại, chưa có một quy định nào về việc xét xử vụ án lưu động. Việc có đưa vụ án ra xét xử lưu động hay không phụ thuộc vào sự quyết định của Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án đó.

Khi nào vụ án hình sự được xét xử lưu động?

Chưa có văn bản quy định về trường hợp được đưa ra xét xử lưu động (Ảnh minh họa)

Xét xử lưu động vụ án hình sự - nên hay không? 

Không thể phủ nhận, việc xét xử lưu động vụ án hình sự góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân nhưng theo quan điểm của Chuyên gia pháp lý Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) - một người chưa từng ủng hộ các phiên toà xét xử lưu động, thì việc xét xử lưu động cũng có một số mặt bất cập như:

- Phiên tòa lưu động gây ra áp lực rất lớn đối với người phạm tội, do đó họ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi phải chấp hành án. Đồng thời, việc xét xử công khai giữa hàng trăm, hàng nghìn người cũng gây nên tâm lý hoang mang, xấu hổ đối với người thân của người phạm tội.

- Với Hội đồng xét xử, việc tổ chức xét xử lưu động cũng tạo ra áp lực cho Hội đồng xét xử, đặc biệt là thẩm phán được phân công xét xử.

- Khi xét xử lưu động rất khó đảm bảo an ninh, trật tự của nơi diễn ra phiên tòa, nhất là từ những đám đông quá khích...

- Mở phiên tòa xét xử lưu động còn tốn khoản chi phí không hề nhỏ. Theo thông tin từ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, mỗi năm ngân sách chi khoảng 70 tỷ đồng cho việc xét xử lưu động...

Như vậy, có thể thấy, việc đưa một vụ án ra xét xử lưu động bên cạnh ý nghĩa duy nhất là răn đe, giáo dục tinh thần "thượng tôn pháp luật" thì cũng có không ít những mặt tiêu cực.

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục