Xem công thức này để tính lương hưu ngay từ bây giờ

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ để hưởng chế độ ốm đau, thai sản… mà quan trọng nhất vẫn là để hưởng lương hưu. Dưới đây là công thức tính lương hưu giúp người lao động biết được mức hưởng của mình khi về hưu.


Cách tính lương hưu từ năm 2018

Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu của người lao động tham gia BHXH được tính theo công thức sau:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong đó:

Đối với lao động nam:

- Nghỉ hưu từ 01/01/2018: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 16 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;

- Nghỉ hưu từ 01/01/2019: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 17 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;

- Nghỉ hưu từ 01/01/2020: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 18 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;

- Nghỉ hưu từ 01/01/2021: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 19 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;

- Nghỉ hưu từ năm 01/01/2022 trở đi: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

Ví dụ: Năm 2030, ông A đến tuổi nghỉ hưu. Giả sử ông A đã có 35 năm đóng BHXH thì mức lương hưu hàng tháng của ông A được tính là: 20 năm đóng BHXH = 45%; 15 năm còn lại x 2% = 30%. Như vậy ông A được hưởng 75% mức tiền lương bình quân đóng BHXH.

Lương hưu được tính theo số năm, mức đóng BHXH (Ảnh minh họa)


Đối với lao động nữ:

- Nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

Cách tính lương hưu này đang khiến lao động nữ thiệt thòi hơn so với lao động nam. Do đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hiện đang hoàn thiện dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 - 2021.

Lưu ý: Mức hưởng lương hưu tối đa của người lao động tối đa là 75% mức bình quân lương tháng đóng BHXH.


Điều kiện hưởng lương hưu của người lao động

Theo Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và thuộc một trong các trường hợp sau:

- Lao động nam từ đủ 60 tuổi; nữ đủ 55 tuổi;

- Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

- Lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đù 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 (theo Nghị quyết 28-NQ/TW). Nội dung này cũng đang được đưa vào nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục