Xây nhà lắp ghép có cần phải xin giấy phép không?

Nhà lắp ghép hiện nay được sử dụng tương đối phổ biến trong kinh doanh dịch vụ như cho thuê homestay, làm quán cafe hay làm bệnh viện… Vậy, xây nhà lắp ghép có cần xin giấy phép không?

1. Thế nào là nhà lắp ghép?

Nhà lắp ghép là loại nhà được lắp ráp bằng các vật liệu nhẹ như: Gỗ, gạch, bê tông nhẹ với khung thép nhẹ theo thiết kế mà vẫn đảm bảo có đầy đủ trần, tường, mái, sàn, cột và công năng sử dụng, sinh hoạt như một ngôi nhà bình thường. Ngoài ra, tùy vào chất lượng vật liệu và nhu cầu của người sử dụng, nhà lắp ghép còn có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.

Hiện nay mô hình nhà lắp ghép được sử dụng tương đối phổ biến nhờ những ưu điểm sau đây:

- Thân thiện với môi trường: Đối với nhà lắp ghép, số lượng vật liệu được tính toán kỹ càng nên không dư thừa nhiều vật liệu, rác thải như với xây dựng nhà thông thường, đồng thời vật liệu thừa còn có thể được tái chế lại để sử dụng.

- Rút ngắn thời gian thi công: Việc rút ngắn thời gian thi công sẽ giúp chủ nhà tiết kiệm được một khoản chi phí thuê nhân công;

- Có thể dễ dàng thay đổi, dỡ bỏ hoặc di chuyển: Do cách lắp ghép đơn giản hơn so với nhà thông thường nên việc thay đổi kết cấu hay dỡ bỏ, di chuyển đến nơi khác cũng tương đối đơn giản và mất ít thời gian hơn.

Nhà lắp ghép là loại nhà được lắp ráp bằng các vật liệu như: Gỗ, gạch,.. (Ảnh minh họa)

2. Xây nhà lắp ghép có cần xin giấy phép không?

Trước khi xây dựng công trình nhà ở hay với bất cứ công trình nào khác, vấn đề thường được quan tâm trước tiên là có cần phải xin giấy phép xây dựng đối với công trình đó hay không?

Tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 nếu rõ:

Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, đối với công trình lắp ghép pháp luật quy định vẫn cần phải có giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020, gồm:

1. Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;

2. Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;

3. Công trình xây dựng tạm;

4. Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong đó nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

5. Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;

6. Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

7. Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này;

8. Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

9. Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng (trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa).

10. Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các mục 2, 5, 7, 8, 9 trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, khi xây nhà ghép không cần phải xin giấy phép xây dựng.

Ví dụ, trường hợp xây dựng nhà ghép để kinh doanh dịch vụ homestay không thuộc một trong các trường hợp được miễn Giấy phép, do đó cần phải xin Giấy phép xây dựng trước khi xây nhà ghép.

3. Hồ sơ xin Giấy phép xây dựng nhà lắp ghép gồm những giấy tờ gì?

Tùy vào từng mục đích làm nhà lắp ghép, hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng cũng khác nhau. Cụ thể:

- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà lắp ghép đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

+ Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

+ 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu;

  • Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật về xây dựng có yêu cầu, gồm:
  • Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí công trình;
  • Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình;
  • Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện;

- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

- Đối với các trường hợp công trình xây dựng nhà lắp ghép khác sẽ có các yêu cầu riêng, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo những giấy tờ sau đây:

+ Đơn đề nghị về việc xin cấp Giấy phép xây dựng.

+ Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Quyết định phê duyệt dự án, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường…

+ 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng theo yêu cầu.

Trên đây là giải đáp về xây nhà lắp ghép có cần xin giấy phép không. Nếu còn vấn đề vướng mắc liên quan đến xây dựng, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

Luật sửa đổi 9 Luật: Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Thuế thu nhập cá nhân, Dự trữ quốc gia, Xử lý vi phạm hành chính được thông qua ngày 29/11/2024. Dưới đây là tổng hợp điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán:

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.