Với việc bị khởi tố về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, chủ kho phế liệu - nơi xảy ra vụ nổ ở Bắc Ninh làm 02 người chết, nhiều người bị thương, thiệt hại lớn về tài sản – có thể sẽ phải đối mặt với mức án tù chung thân…
Liên quan đến vụ nổ ở Bắc Ninh (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) vào sáng 03/01 khiến 02 cháu bé tử vong và nhiều người bị thương, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến - chủ kho phế liệu - để điều tra về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Hiện trường tan hoang của vụ nổ (Ảnh: Internet)
Ông Tiến khai nhận, khoảng tháng 12/2016, ông này có thu mua khoảng 07 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 để tháo dỡ phế liệu. Số đầu đạn này được tập kết tại sân vườn và bỗng nhiên phát nổ vào sáng 03/01. Vụ nổ lớn không chỉ gây thiệt hại về người mà còn khiến 06 căn nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn và nhiều căn khác bị ảnh hưởng.
Theo Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chỉ những người được huấn luyện về chuyên môn mới được sử dụng vũ khí, những người này phải được kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng. Pháp lệnh cũng nghiêm cấm mọi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ… Tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 có hiệu lực từ 01/07/2018, những hành vi này cũng được quy định rất rõ ràng, chi tiết tại Điều 5. Cũng theo Pháp lệnh nêu trên, chỉ các đối tượng như quân đội, công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm, lực lượng kiểm ngư, an ninh hàng không mới được trang bị và sử dụng vũ khí quân dụng. Nơi cất giữ vũ khí phải được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn…
Hình ảnh minh họa
Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về việc xử lý hình sự, Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, sẽ bị phạt tù từ 01 - 20 năm hoặc tù chung thân, tùy vào số lượng vật phạm pháp, tính chất nghiêm trọng.....
Trở lại với trường hợp vụ nổ ở Bắc Ninh, nếu xét tới những hậu quả mà vụ nổ gây ra, như: Chết 02 người; Gây thương tích cho nhiều người; Hư hỏng nhiều căn nhà… Căn cứ số lượng vật phạm pháp, tính chất nghiêm trọng và vào mức độ thiệt hại thực tế, người chủ kho phế liệu có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Những quy định xử phạt trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc xem thêm:
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Quốc hội, số 14/2017/QH14
Bộ luật Hình sự của Quốc hội, số 100/2015/QH13
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, số 12/2017/QH14
Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình