Hiện, dư luận vẫn rất quan tâm đến vụ tố người khác ăn chặn tiền từ thiện trên mạng xã hội thời gian gần đây. Và câu hỏi được đặt ra là, nếu không có việc ăn chặn thì người tố giác có phạm Tội vu khống không?
Vu khống là gì? Tố giác sai sự thật có phạm Tội vu khống không?
Tội vu khống là một trong những tội được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, Tội vu khống sẽ có các hành vi sau:
- Bịa đặt/loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người khác.
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan chức năng.
Có thể thấy, một người chỉ phạm Tội vu khống nếu biết rõ hành vi của người khác là sai sự thật, là bịa đặt, không có căn cứ nhưng vẫn loan truyền nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại cho người đó hoặc tố cáo hành vi phạm tội không đúng sự thật với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, về việc tố giác tội phạm, theo khoản 5 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự, người tố giác không được cố ý tố giác tội phạm sai sự thật, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi xác minh, kiểm tra tin tố giác mà xác định do người tố giác suy diễn hoặc người tố giác biết rõ điều đó là không đúng sự thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện và tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền thì người tố giác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định, Tội vu khống chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Đồng nghĩa, nếu người bị tố giác sai sự thật có yêu cầu thì người tố giác sai sự thật có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống.
Như vậy, khi một người bịa đặt và tố cáo điều này với cơ quan có thẩm quyền, sau đó cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung tố giác là sai sự thật và có đơn yêu cầu của bị hại thì người tố giác sai sự thật có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vu khống.
Ngược lại, nếu chỉ tố giác tội phạm vì thấy có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không khẳng định người đó vi phạm pháp luật, không tuyên truyền, loan tin hoặc không bịa đặt việc người đó phạm tội và tố cáo với cơ quan có thẩm quyền thì không phạm Tội vu khống.
Đồng nghĩa, không phải mọi trường hợp người tố giác sai sự thật đều phạm Tội vu khống.
Vu khống người khác ăn chặn tiền từ thiện, bị phạt thế nào?
Bởi vu khống người khác nói chung và vu khống người khác ăn chặn tiền từ thiện nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm, danh dự của người khác nên người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Bị xử phạt hành chính
Nếu một người vu khống, bịa đặt người khác ăn chặn tiền từ thiện nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng về hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Chịu trách nhiệm hình sự
Như phân tích ở trên, nếu người tố giác bị tố ngược lại Tội vu khống sau khi cơ quan chức năng xác minh nội dung tố giác trước đó là không đúng sự thật, người tố giác biết rõ điều đó nhưng vẫn tố cáo với cơ quan chức năng và có yêu cầu của bị hại thì người tố giác sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vu khống.
Căn cứ Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm Tội vu khống có thể phải chịu mức phạt tù như sau:
Mức phạt | Hành vi |
Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm | - Bịa đặt/loan tin những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác một cách nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. - Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo người này với cơ quan có thẩm quyền. |
Phạt tù từ 01 - 03 năm | - Có tổ chức - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn - Vu khống từ 02 người trở lên - Vu khống cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình - Vu khống người đang thi hành công vụ - Dùng mạng máy tính để vu khống người khác - Vu khống khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và có tỷ lẹ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%. - Vu khống một người phạm tội rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng |
03 - 07 năm tù | - Vì động cơ đê hèn mà vu khống người khác - Làm nạn nhân tự sát - Vu khống khiến nạn nhân rối loạn tâm thần và có tỷ lệ tổn thương 61% trở lên |
Căn cứ quy định này, nếu một người bị kết án về Tội vu khống thì có thể bị phạt tù cao nhất đến 07 năm.
Trên đây là phân tích về vấn đề vu khống người khác ăn chặn tiền từ thiện bị phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.