Để “dạy dỗ” con trai, người bố thường dùng thìa múc canh, móc quần áo để đánh con gây ra nhiều thương tích. Theo quy định hiện hành, người cha có thể phải chịu mức án phạt tối đa là 03 năm tù…
Trong thời gian qua, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra tình trạng bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận, điển hình như vụ bà nội sát hại cháu ruột 20 ngày tuổi rồi tạo dựng hiện trường giả ở Thanh Hóa; Người giúp việc “tung hứng” cháu bé 02 tháng tuổi ở Hà Nam hay vụ bạo hành trẻ em tại trường mầm non Mầm Xanh ở TP. HCM…
Khi dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì những vụ việc đã xảy ra thì mới đây, một vụ bạo hành trẻ em có tính chất nghiêm trọng khác lại xảy ra ở Hà Nội. Nạn nhân là một bé trai 10 tuổi. Được biết, đối tượng có hành vi bạo hành với em chính là bố đẻ. Thông tin ban đầu cho biết, sau khi bố mẹ ly hôn, bé trai sống với bố đẻ và mẹ kế. Để “dạy dỗ” con trai, người bố thường dùng thìa múc canh, móc quần áo bằng nhôm… để đánh con. Trong suốt thời gian cùng chung sống với bố đẻ và mẹ kế, bé trai thường xuyên bị nhịn đói, bị đánh đập gây thương tích nặng khắp cơ thể. Cháu bé cũng bị bố bắt ở nhà, không được đi học trong khoảng 02 năm nay. Chiều 05/12, sau khi bị mẹ kế đánh vì nghi ăn vụng, bé trai đã bỏ trốn khỏi nhà.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi của người bố có dấu hiệu phạm tội Hành hạ người khác. Cụ thể, Điều 110 Bộ luật này quy định: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm. Phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật hoặc phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ 01 - 03 năm. Căn cứ vào Điều này, người cha trong vụ việc trên có thể bị phạt tù tối đa là 03 năm.
Tại Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, mức phạt đối với Tội hành hạ người khác không có nhiều thay đổi, tuy nhiên tình tiết dùng làm căn cứ định tội đã được quy định rõ ràng hơn. Theo đó, Điều 140 Bộ luật này quy định, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt tù cao nhất vẫn được giữ nguyên là 03 năm khi phạm tối với người dưới 16 tuổi; phụ nữ mà biết là có thai; người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên…
Bạo hành trẻ em có thể bị phạt tù đến 3 năm (Ảnh minh họa) |
Trước tình trạng bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng về cả số lượng và tính chất nghiêm trọng, ngày 30/11/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 12851/VPCP-NC yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnhcùng các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ vụ bạo hành, xâm hại trẻ em để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.
Đáng chú ý, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chính thức vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – 111 vào ngày 06/12/2017 vừa qua. Theo quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Tổng đài này tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại; Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày và không thu phí viễn thông, phí tư vấn đối với người gọi đến.
Mức xử phạt nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc xem thêm:
Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội
Bộ luật Hình sự của Quốc hội, số 100/2015/QH13
Luật Trẻ em của Quốc hội, số 102/2016/QH13
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ e