Vụ 21 tấn cà phê trộn pin: Vì sao chưa khởi tố hình sự?

Xung quanh sự việc một cơ sở thu mua nông sản ở Đắk Nông có hành vi dùng lõi pin để nhuộm đen hàng chục tấn cà phê, dư luận đang đặt câu hỏi vì sao vẫn chưa khởi tố hình sự vụ án này?

Phát hiện hơn 21 tấn cà phê trộn pin

Theo thông tin đăng tải chính thức trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 15/4 đến ngày 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp) làm chủ, đang sử dụng dung dịch hỗn hợp nước, pin để ngâm tẩm, nhuộm đen hỗn hợp gồm đất, bột đá và phế phẩm cà phê.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn hỗn hợp đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và được đóng bao bì; 40 lít dung dịch; 35kg pin được đập dẹp; 192kg lõi, nắp và vỏ pin.

Nhiều ý kiến cho rằng đây không chỉ đơn thuần là “cà phê bẩn” mà còn là “cà phê độc”, bởi các kim loại nặng có trong pin như: chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín.... đều là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Dư luận đang đổ dồn sự quan tâm đến sự việc và chờ đợi kết quả của cơ quan điều tra cũng như chế tài xử phạt thích đáng với chủ cơ sở sản xuất này. Tuy nhiên, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tại, chưa thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

21 tấn cà phê trộn pin đã bị thu giữ nhưng chưa thể xử lý hình sự


Vì sao chưa thể khởi tố hình sự?

Thông tin từ Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi phát hiện sự việc, công an đã triệu tập bà Nguyễn Thị Thanh Loan - chủ cơ sở nêu trên và 2 người có liên quan tới làm việc. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn ngoan cố, chưa khai nhận động cơ và mục đích của việc sản xuất hỗn hợp tạp chất cà phê trộn pin.

Bước đầu, các đối tượng chỉ khai “làm ra sản phẩm, ai mua thì bán” và đã tiêu thụ 3 tấn sản phẩm cho một đầu mối thu mua ở tỉnh Bình Phước.

Chính vì chưa thể xác định được mục đích của việc sản xuất cà phê trộn pin có phải bán ra thị trường để làm thực phẩm cho người hay không, nên hiện tại, cơ quan chức năng chưa thể khởi tố hình sự mà cần phải tiếp tục điều tra làm rõ.

Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông) cũng cho biết thêm: Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện các dụng cụ rang xay, dụng cụ đóng gói, bột cà phê tại cơ sở này nên chưa thể khẳng định sản phẩm của cơ sở này có phải thực phẩm hay không?.

Nếu xử lý hình sự, mức phạt đối với chủ cơ sở như thế nào?

Trường hợp đủ căn cứ để xác định cà phê trộn pin của cơ sở nêu trên là thực phẩm và tuồn ra thị trường cho người dùng, chủ cơ sở có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 của Bộ luật Hình sự 2015.

Khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Điều luật này là phạt tiền từ 50 triệu đồng – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm – 05 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục