Việt Nam là một trong những nước mua bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn - Đây là thông tin đáng lưu ý được nêu ra trong Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tổ chức vào tháng 09 vừa qua.
Thuốc nói chung hay thuốc kháng sinh nói riêng có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Thuốc thường được những người có chuyên môn về y học như bác sĩ kê đơn sau khi đã thăm khám, kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, rất ít người dùng đơn thuốc để mua và bán thuốc kháng sinh. Một cuộc khảo sát trước đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, cứ 10 người dân thì có 9 người mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nông thôn.
Đơn thuốc có ý nghĩa quan trọng đối với cả bệnh nhân và bác sĩ. Đây là tài liệu hướng dẫn điều trị, liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đơn thuốc cũng là căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh và hành nghề y dược. Bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân bắt buộc phải kê đơn thuốc hướng dẫn và bán thuốc kê đơn là yêu cầu bắt buộc đối với dược sĩ. Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra rất phổ biến hiện nay là người bán thuốc tự ý bán thuốc cho người bệnh. Theo đó, bệnh nhân chỉ cần đến hiệu thuốc, nói tên thuốc cần mua hoặc kể ra một vài triệu chứng đang gặp phải, người bán ngay lập tức bán thuốc, thậm chí còn tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc ngoại hay thuốc nội.
Hình ảnh minh họa |
Trước tình trạng này, ngày 07/09/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4041/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh, qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020, 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Đặc biệt vào ngày 03/10 vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định 4448/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, trong đó có dẫn ra một số hoạt động cụ thể như: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về kê đơn và bán thuốc kê đơn; Đánh giá thực trạng về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trước khi có can thiệp; Triển khai các hoạt động truyền thông tuyên truyền về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, sử dụng kháng sinh không hợp lý… Bên cạnh đó, tập huấn, đào tạo cho người kê đơn cũng như người bán lẻ thuốc về các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn;… Dự kiến đến năm 2020, toàn quốc tiến hành triển khai hoạt động kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.
Hy vọng với những chủ trương, kế hoạch được nêu, tình trạng mua, bán, sử dụng thuốc kê đơn sẽ được cải thiện; Việc tự ý sử dụng thuốc, tự ý bán thuốc sẽ được ngăn chặn.
Để tìm hiểu thêm về những văn bảnnêu trên, bạn đọc tham khảo: