Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, mà cụ thể là bán hàng online, ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ giao hàng của các công ty vận chuyển. Nhưng trong nhiều trường hợp, các công ty này làm thất lạc những món đồ có giá trị lớn của khách hàng và phương án đền bù khiến nhiều người… ngã ngửa.
Thất lạc bưu phẩm hơn 65 triệu, chỉ đền bù 320.000 đồng
Mới đây, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa - một nhà thiết kế có tiếng tại TP. Hồ Chí Minh lên tiếng tố một công ty giao hàng nhanh làm thất lạc gói đồ có trị giá 65,7 triệu đồng, thế nhưng sau đó, công ty này chỉ thông báo sẽ đền bù cho anh Hòa khoản tiền… 320.000 đồng.
Mức đền bù này được phía công ty giao hàng giải thích là do chi phí vận chuyển đơn hàng này của anh Hòa là 80.000 đồng, nên theo quy định, anh chỉ được nhận khoản tiền bồi thường gấp 04 lần phí vận chuyển (tương ứng 320.000 đồng), cho dù tổng giá trị gói hàng của anh lên đến hơn 65 triệu đồng.
Thực tế, giải thích từ phía giao hàng trên không sai. Bởi theo quy định của Chính phủ tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 47/2011/NĐ-CP, đối với dịch vụ bưu chính trong nước, bên giao hàng làm thất lạc hàng hóa chỉ phải đền bù tối thiểu 04 lần cước.
Còn đối với dịch vụ bưu chính quốc tế vận chuyển bằng đường hàng không, mức bồi thường được tính là 09SDR/kg nhưng không thấp hơn 30 SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng; Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác là 05 SDR/kg cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng. (SDR là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế quy định).
Việc các công ty vận chuyển làm mất hàng của khách thường xuyên xảy ra (Ảnh minh họa)
Khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp công ty vận chuyển làm thất lạc hàng hóa giá trị lớn của khách hàng xảy ra trong thực tế. Hầu hết trong những trường hợp này, khách hàng đều là người chịu thiệt vì nhận khoản tiền đền bù không đáng kể so với giá trị hàng hóa
Nhưng có thể thấy, mức đền bù quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 47/2011/NĐ-CP nêu trên chỉ mức tối thiểu. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình trước rủi ro có thể xảy ra, khách hàng hoàn toàn có thể thỏa thuận với công ty vận chuyển mức đền bù cao hơn khi ký hợp đồng giao nhận hàng hóa, nếu hàng hóa có giá trị cao.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể thỏa thuận với công ty vận chuyển đóng thêm khoản phí bảo hiểm hàng hóa (thông thường là 1 – 2% giá trị hàng hóa). Khi đó, nếu không may hàng hóa bị thất lạc, khách hàng mới có thể được bồi thường toàn bộ giá trị của hàng hóa.
LuatVietnam