Pin là thứ không thể thiếu trong các thiết bị như điều khiển tivi, điều khiển điều hòa, chuột máy tính… của mỗi gia đình. Khi pin không còn sử dụng được, rất nhiều người quen tay vứt vào thùng rác mà không biết rằng, theo quy định của pháp luật, sản phẩm này cần phải được thu hồi.
1 viên pin gây ô nhiễm môi trường trong 50 năm
Đây là sự thật không phải ai cũng biết. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trong pin thường có các loại kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm…, nếu pin được chôn lấp, các kim loại này sẽ thấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất trong 50 năm. Nếu pin được đốt, các chất nguy hại trong pin cũng sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Cụ thể, thủy ngân khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho não, thận, tim mạch và các cơ quan sinh sản; chì gây chứng còi xương, chậm lớn ở trẻ em, gây huyết áp cao, mất trí nhớ ở người lớn; kẽm khiến cơ thể rơi vào tình trạng run rẩy, giảm mức phản xạ tự nhiên và đôi khi là tê liệt…
Dù ẩn chứa nguy hiểm là thế, nhưng hiện nay, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen vứt pin vào thùng rác như bất cứ một loại rác thải thông thường nào khác.
Tuyệt đối không nên vứt pin cũ vào thùng rác (Ảnh minh họa)
Thủ tướng yêu cầu thu hồi pin đã qua sử dụng
Khoảng giữa năm 2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 16/2015/QĐ-TTg, trong đó quy định pin các loại nằm trong Danh mục sản phẩm thải bỏ phải được thu hồi và xử lý. Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông tư 34/2017/TT-BTNMT hướng dẫn thiết lập các địa điểm thu hồi pin đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về việc người dân cần phân loại, bảo quản, vận chuyển các sản phẩm pin đã qua sử dụng đến đâu để đảm bảo chúng được xử lý đúng quy trình, không gây nguy hại cho môi trường.
Giải pháp tạm thời mà bất cứ người dân nào cũng làm được là không vứt pin vào thùng rác, hãy đựng chúng trong những hũ thủy tinh sạch, đậy nắp kín và để xa tầm tay trẻ em. Khi lượng pin nhiều, có thể chuyển tận tay cho người thu gom rác thải để họ có phương án xử lý đúng quy định.
Xem thêm:
Luật Bảo vệ môi trường: 9 điểm mới nổi bật nhất 2018
LuatVietnam