Trái với tâm lý lo lắng của các thí sinh và phụ huynh khi quy định cộng điểm khuyến khích không còn nữa, nhiều ý kiến cho rằng đây là quyết định sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 - 2019 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm đặc biệt đến những điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Theo Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, việc tuyển sinh vào lớp 6 năm nay sẽ được tổ chức theo hình thức xét tuyển kết hợp thi tuyển nếu trường có số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu. Trong khi đó, bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10.
Chỉ còn được cộng điểm thi nghề trong năm nay
Tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định bỏ hoàn toàn chế độ cộng điểm khuyến khích đối với tuyển sinh vào lớp 10. Riêng việc cộng điểm thi nghề sẽ áp dụng lần cuối cùng trong kỳ tuyển sinh năm nay. Từ các năm tiếp theo, quy định này cũng không còn nữa.
Trước đó, tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các Sở Giáo dục và Đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích. Với quy định “mở đường” này, rất nhiều thí sinh tích cực tham gia học nghề với hi vọng được cộng đến 1,5 điểm cho kỳ thi vào lớp 10.
Đồng thời, tại nhiều địa phương, việc tham gia và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi viết thư quốc tế UPU, thi giải toán trên máy tính cầm tay, Hội khỏe Phù Đổng do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức… cũng là những tiêu chí giúp thí sinh được cộng điểm.
Chính thức bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10
Vì sao bỏ cộng điểm khuyến khích?
Ngay từ khi mới chỉ là dự thảo, quy định không cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều học sinh cố gắng thi học sinh giỏi, thi nghề… chỉ để lấy điểm cộng. Chưa kể, việc thi nghề đạt loại khá, giỏi rất dễ dàng, thí sinh có tâm lý ỷ lại vào điểm khuyến khích.
Cộng điểm khuyến khích cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng cuộc thi ở các địa phương, gây áp lực cho học sinh. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông.
Cụ thể, tại Công văn 1915/BGDĐT-GDTrH, Bộ yêu cầu giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản; đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua; không dùng kết quả thi của thí sinh để xét tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp từ năm học 2018 – 2019.
Xem thêm:
Thi vào lớp 10 năm 2018: Cuộc đua khốc liệt của “dê vàng”
LuatVietnam