Hành vi vẽ bậy lên đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông có dấu hiệu của Tội hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 quy định, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 06 tháng…
Một đoàn tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy đang là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Những hình ảnh đầu tàu, thân tàu với những nét vẽ chằng chịt đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thân tàu chi chít những nét vẽ
Vị trí phát hiện vụ việc là tại tầng 3 nhà ga Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội). Những nét vẽ nguệch ngoạc in trên thân tàu, đầu tàu và tràn lên cả phần cửa kính của toa tàu gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến việc thi công Dự án đường sắt đô thị. Được biết, những hình ảnh này được vẽ theo phong cách Graffiti (một kiểu vẽ tranh đường phố, thường sử dụng bình sơn để phun). Đại diện nhà thầu cho biết, đoàn tàu bị vẽ bẩn trong khoảng thời gian từ đêm 25/12 đến sáng 26/12.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD.
Vẽ lên tàu Cát Linh - Hà Đông bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)
Việc đột nhập vào công trường đang thi công và vẽ bậy lên đoàn tàu là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Điều 143 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 02 - 07 năm. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.
Từ năm 2018, người phạm Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ bị xử theo Điều 178 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức xử phạt cho người phạm tội này được quy định tại luật mới có thay đổi so với BLHS 1999 theo hướng bổ sung thêm hình thức phạt tiền (10 - 50 triệu đồng) đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu…
Để có căn cứ xử lý người phạm tội, cơ quan chức năng cần tổ chức giám định, xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Quy định nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội
Bộ luật Hình sự của Quốc hội, số 100/2015/QH13
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, số 12/2017/QH14